Miền Trung cần cảnh giác với các bệnh dễ phát sinh sau bão lũ

(VOH) - Không chỉ nỗ lực hồi phục cuộc sống sau bão, người dân các tỉnh miền Trung cũng cần chủ động phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra.

Những ngày gần đây, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Bên cạnh việc khắc phục kinh tế sau bão, người dân cũng cần chủ động phòng tránh một số căn bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra như: bệnh đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ và các bệnh về da.

Người dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) dọn dẹp, giặt giũ quần áo sau lũ - Ảnh: TTO

Nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa sau lũ lụt

Mưa bão xảy ra gây nên tình trạng ngập úng, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ bùng phát như: tả, lị, thương hàn..., một số bệnh khác như tiêu chảy do Ro­tavirus, khuẩn E.coli, tình trạng nhiễm giun sán... cũng sẽ có cơ hội lây truyền nhanh hơn.

Nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, các vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải, xác xúc vật... hòa vào dòng nước gây ô nhiễm môi trường, nếu ăn, uống phải các nguồn nước, thực phẩm nhiễm các vi khuẩn, virus này sẽ rất dễ lây bệnh.

Để điều trị hay phòng bệnh có hiệu quả, trước hết mọi người cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Không ăn thức ăn đã thiu, ôi; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh. Tích cực diệt ruồi, nhặng bằng mọi hình thức như các biện pháp dân gian, hóa chất. Xử lý tốt nguồn phân, rác thải, xác động vật chết.

Các bệnh về da

Các bệnh về da như nấm da, mụn nhọt, nước ăn chân, hắc lào... cũng rất dễ mắc khi mưa lũ xảy ra, do đó người dân cần phải có các biện pháp để chủ động phòng tránh như: Không được tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn; không mặc áo quần ẩm ướt; không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước vì ngoài gây bệnh về da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn; lau khô người nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân sau khi lội nước...

Đau mắt đỏ

Môi trường ẩm ướt, điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh... Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường có trong môi trường nước bẩn, tù đọng, do đó người dân tuyệt đối không lau rửa hoặc tắm giặt bằng nước bẩn. Rửa tay với xà phòng bằng nước sạch. Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt, chăn gối với người đau mắt đỏ. Tra thuốc nhỏ mắt khi tiếp xúc với nước bẩn...

Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa kéo dài cơ thể bị nhiễm lạnh rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp là: đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, sổ mũi đôi khi cũng kèm theo khó thở, khó thở tăng khi hoạt động thể lực. Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám để điều trị, tránh biến chứng.

Để tránh các bệnh đường hô hấp cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp. cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng.

Sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết cũng rất dễ xảy ra tại những vùng mưa bão, ngập úng do môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, sinh sôi. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch, rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Do đó, sau lũ người dân cần chủ động diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước và phòng chống muỗi đốt. Ngủ màn, mặc quần áo dài tay. Vệ sinh môi trường, triệt các nguồn sinh sôi phát triển của muỗi... Phun hóa chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết. Khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đến bệnh viện tăng đột biến. Theo đó, có 28 bệnh nhân đến bệnh viện, chỉ trong hơn một tháng rưỡi kể từ khi các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ.

Thống kê của bệnh viện cho thấy, trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...,

Bệnh Melioidosis hay còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ.

Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhễm nặng.
Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
Bình luận