Người nhập cảnh có triệu chứng đậu mùa khỉ nên đến ngay cơ sở y tế!

(VOH) - Từ 1/1 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế Thế giới – WHO đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia.

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu.

Riêng khu vực châu Âu ở mức nguy cơ cao, còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của vi rút. Ngay sau khi WHO công bố, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành cùng đơn vị liên quan để đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Xem thêm: Những điều quan trọng nhất cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tuy nhiên nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Cập nhật tình hình hiện tại cùng các biện pháp chủ động ứng phó, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

* VOH: Bộ Y tế đã có những chỉ đạo khẩn cấp như thế nào để có thể chủ động giám sát và kịp thời phát hiện bệnh một cách sớm nhất?

- Ông Nguyễn Lương Tâm: Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ đã tổ chức, mời các Cục, vụ, Viện của các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur cũng như một số tỉnh, thành phố họp khẩn cấp để bàn các phương án phòng chống dịch đậu mùa khỉ trong vấn đề mà hiện tại trên thế giới đã có 16.000 trường hợp mắc và trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Ở Việt Nam chúng ta thì có thể là nguy cơ đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào bằng đường hàng không, bằng cửa khẩu và trong lúc đại dịch Covid-19 thì diễn ra trong vòng 2 năm rưỡi và cho đến hiện tại chúng ta đang mở cửa tất cả để cho du lịch quay trở lại, kinh tế - xã hội phát triển. Như vậy, những người đi từ vùng dịch ở các nước như Châu Phi, Châu Âu có thể vào Việt Nam và có thể xuất hiện các trường hợp xâm nhập về đậu mùa khỉ.

Tại hội nghị khẩn cấp phòng chống dịch thì Bộ Y tế cũng đã ra các văn bản chỉ đạo. Bắt đầu từ tháng 5, chúng tôi đã ra văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur chủ động trong việc giám sát các trường hợp nghi ngờ đậu mùa khỉ có thể đi từ cửa khẩu, cảng hàng không vào Việt Nam hoặc có thể xuất hiện ở các cơ sở y tế để có đáp ứng kịp thời.

Thứ hai, chúng tôi liên tục cập nhật tình hình từ Tổ chức Y tế thế giới. Hàng tuần văn phòng khẩn cấp đáp ứng các sự kiện y tế công cộng của Cục Y tế dự phòng, chúng tôi họp với WHO để phân tích diễn biến tình hình dịch trên thế giới cũng như các trường hợp đậu mùa khỉ có thể xâm nhập vào Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã có chỉ đạo các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur lên kế hoạch để chúng ta có xét nghiệm khi có trường hợp nghi ngờ xuất hiện thì các labo lập tức đáp ứng. Và chúng ta chuẩn bị một cơ số để làm xét nghiệm Đậu mùa khỉ.

* VOH: Những triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ này như thế nào và ông có những khuyến cáo gì với người dân trong bối cảnh hiện nay?

- Ông Nguyễn Lương Tâm: Các triệu chứng của đậu mùa khỉ là sốt cao, đau đầu, đau cơ, sưng hạch và phát ban. Chúng tôi khuyến cáo người dân, khi có dấu hiệu đó thì đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là trong thời điểm này chúng ta đang có đại dịch Covid-19 cũng như dịch sốt xuất huyết, trên toàn quốc đã có 124.000 ca mắc và chủ yếu là khu vực phía Nam. Chúng ta có những trường hợp tay chân miệng xuất hiện ở một số tỉnh, thành cũng như chúng ta phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập.

Bộ Y tế luôn luôn tham mưu Chính phủ, thường trực 24/24 giờ để có những đáp ứng khẩn cấp khi có các sự kiện y tế công cộng cũng như các bệnh dịch xuất hiện ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố, cả hệ thống chính trị cùng tất cả người dân vào cuộc để chúng ta phòng chống dịch bệnh có thể xuất hiện trong thời gian tới.

* VOH: Thưa ông, nếu trong cộng đồng xuất hiện một ca có triệu chứng giống như khuyến cáo về căn bệnh đậu mùa khỉ thì các bước tiếp theo hệ thống y tế cần làm gì?

- Ông Nguyễn Lương Tâm: Khi có một ca xuất hiện các triệu chứng thì vận động người đó đến cơ sở y tế và lập tức các tỉnh, thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cho các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur và lập tức cách ly người đó.

Khi có dấu hiệu xét nghiệm dương tính, người bệnh sẽ được cách ly 21 ngày và tránh tiếp xúc tất cả giống như Covid, và sẽ điều trị trong khoảng thời gian này.

 Đặc điểm của đậu mùa khỉ sẽ thường khỏi từ 2-3 tuần và tự khỏi cũng như rất ít khi lây lan nhanh như Covid-19. Ở đây chúng ta chỉ khuyến cáo làm sao khi mà những người nhập cảnh vào Việt Nam, những người có dấu hiệu đi từ vùng dịch về có dấu hiệu sốt, đau đầu, đau cơ, nổi hạch, phát ban thì nên lập tức đến cơ sở y tế để được khám.

* VOH: Cảm ơn ông rất nhiều!

Bình luận