Nguyên nhân khiến bà bầu bị nhiệt miệng và 7 cách chữa nhiệt miệng tại nhà

(VOH) – Nhiệt miệng là một vấn đề khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Mặc dù không phải là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nhưng bà bầu bị nhiệt miệng lại ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống trong thai kỳ.

Nhiệt miệng thường được biểu hiện dưới dạng một hoặc nhiều vết lở nhỏ, dạng chấm tròn, xuất hiện tại vùng rìa trong của miệng, lưỡi hoặc ở phần nướu răng. Xung quanh vết lở sẽ bị đỏ và sưng.

Nguyên nhân bà bầu bị nhiệt miệng là gì?

Tình trạng nhiệt miệng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai thai kỳ. Nguyên nhân là do trong quá trình mang thai cơ thể mẹ bầu có rất nhiều sự thay đổi để thích nghi với thai nhi đang lớn dần trong bụng. Chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo và đạm cũng khiến cho hệ tiêu hóa chịu nhiều tác động, niêm mạc miệng dễ bị nung đốt, gây ra những vết loét hoặc nứt nẻ.

nguyen-nhan-khien-ba-bau-bi-nhiet-mieng-va-7-cach-chua-nhiet-mieng-tai-nha-voh

Nhiệt miệng thường xảy ra ở phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể khiến bà bầu bị nhiệt miệng là:

  • Nội tiết tố thay đổi.
  • Thiếu vitamin B12, axit folic và kẽm.
  • Bị stress khi mang thai.
  • Mất ngủ.
  • Hệ miễn dịch kém.
  • Ăn nhiều đồ ăn, thức uống có tính nhiệt, nóng.
  • Vừa trải qua điều trị nha khoa, đeo niềng răng.
  • Sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc chẹn beta giao cam (dùng trong các bệnh tim, huyết áp, suy tim, đau thắt ngực,..).

Xem thêm: Nhiệt miệng – giải pháp 'đẩy lùi' bệnh cực nhanh

Các loại nhiệt miệng thường gặp

Nhiệt miệng được chia làm 3 loại, bao gồm:

  • Nhiệt miệng nhẹ: Thường gặp nhiều ở phụ nữ mang thai. Vết loét có đường kính nhỏ (2 -9mm), xuất hiện ở niêm mạc miệng, nướu và lưỡi. Thời gian xuất hiện từ 2-5 ngày với người bình thường và khoảng 10 ngày ở bà bầu.
  • Nhiệt miệng nghiêm trọng: Ít phổ biến. Vết loét thường có đường kính khoảng 10mm, xuất hiện ở bề mặt lưỡi, nướu, niêm mạc miệng, thậm chí trong cổ họng. Thường mất khoảng vài tuần đến 1 tháng để chữa lành và có thể để lại sẹo sau điều trị.
  • Lở miệng dạng Herpetiform: Do virus gây ra. Vết loét có đường kính rất nhỏ (khoảng 1mm). Thường xuất hiện với số lượng nhiều, hàng chục vết loét và phải mất 2-3 tháng để chữa lành, có thể để lại sẹo.

Bà bầu bị nhiệt miệng phổ biến nhất là loét miệng nhẹ. Bị lở miệng có thể khiến bà bầu bị đau, rát khi ăn uống và đánh răng. Mặc dù không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu trong thời gian dài nếu không được điều trị thích hợp.

Xem thêm: Ai hay bị lở miệng thì thử ngay các mẹo này để mau khỏi

Nhận biết dấu hiệu nhiệt miệng khi mang thai

Thông thường khi bị nhiệt miệng, triệu chứng dễ nhận biết nhất là xuất hiện các vết lở màu vàng hoặc trắng đục bên trong khoang miệng hoặc lưỡi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận biết tình trạng bị nhiệt miệng khi mang bầu qua các triệu chứng:

  • Vùng lưỡi, miệng bị nóng rát.
  • Sốt.
  • Tiểu són.
  • Ngứa ngáy trên da.
  • Ngủ li bì.
  • Hơi thở có mùi.
  • Khó khăn khi nói chuyện, ăn uống.

Bà bầu bị nhiệt miệng ở tam cá nguyệt thứ 3 sẽ có thể cảm thấy mệt mỏi, hoặc có hiện tượng chảy máu chân răng nếu tình trạng nghiêm trọng.

Bà bầu bị nhiệt miệng thì phải làm sao ?

Bị nổi nhiệt miệng khi mang thai tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong bụng nhưng nó sẽ khiến mọi sinh hoạt, ăn uống của mẹ bầu trở nên bất tiện, từ đó hạn chế nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi.

Hiện nay, có rất nhiều cách trị nhiệt miệng cho bà bầu, từ các biện pháp tự nhiên cho đến dùng thuốc. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai khi gặp các vấn đề bệnh răng miệng không nên tự ý dùng thuốc điều trị vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Do đó, để cải thiện tình trạng bị nhiệt miệng khi mang thai, mẹ bầu có thể thử áp dụng các biện pháp sau đây:

  1. Súc miệng bằng nước muối

nguyen-nhan-khien-ba-bau-bi-nhiet-mieng-va-7-cach-chua-nhiet-mieng-tai-nha-1-voh

Dùng nước muối súc miệng có thể giúp giảm đau khi bà bầu bị nhiệt miệng (Nguồn: Internet)

Nước muối là chất khử trùng tự nhiên khá an toàn cho phụ nữ mang thai. Vì thế, mẹ bầu hãy sử dụng nước muối để súc miệng thường xuyên nếu cảm thấy các nốt nhiệt miệng bắt đầu xuất hiện. Súc miệng bằng nước muối sẽ giúp mẹ giảm đau và tăng tốc quá trình chữa lành vết loét.

  1. Súc miệng bằng baking soda

Baking soda có tính kiềm và có khả năng trung hòa axit trong miệng, đồng thời còn giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng, từ đó vết lở miệng sẽ nhanh lành hơn. Để súc miệng bằng baking soda, mẹ bầu chỉ cần trộn 1 muỗng cà phê baking soda cùng nửa ly nước ấm và súc miệng. Nên thực hiện 2 lần/ngày để có kết quả tốt.

  1. Sử dụng giấm táo

Chất axit axetic trong giấm táo có tác dụng kiềm chế vi khuẩn xấu và duy trì hệ vi sinh vật trong miệng khỏe mạnh, ngoài ra còn giúp hỗ trợ vết lở miệng mau lành. Cách sử dụng giấm táo chữa nhiệt miệng cũng khá đơn giản, đó là: Trộn giấm táo chung với rau củ quả trong món salad hoặc hòa 1 muỗng giấm táo vào 250ml để súc miệng.

Xem thêm: Cách làm giấm táo ngon - bổ - rẻ tại nhà

  1. Ăn húng quế

Húng quế không chỉ là loại rau sống thơm ngon mà còn có đặc tính chống vi khuẩn. Nó cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp làm dịu vết loét. Vì thế, bà bầu bị nhiệt miệng nên ăn vài lá húng quế tươi vào mỗi bữa ăn, hoặc có thể ngâm lá húng quế trong nước nóng và dùng như nước súc miệng.

  1. Uống trà hoa cúc

Trà hoa cúc là loại thức uống có tác dụng khá tốt trong việc hỗ trợ điều trị vết loét mau lành cũng như rút ngắn thời gian bị nhiệt miệng. Mẹ bầu hãy uống 1 ly trà hoa cúc trước khi ngủ hoặc đặt túi lọc trà lên vết loét để giúp giảm cơn đau.

  1. Dùng mật ong

Mật ong tương đối an toàn với phụ nữ mang thai. Cách chữa nhiệt miệng bằng mật ong rất đơn giản. Đầu tiên, mẹ bầu cần súc miệng bằng nước ấm. Sau đó, bôi trực tiếp mật ong lên vết loét. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày để vết loét nhanh lành.

  1. Dùng dầu dừa

nguyen-nhan-khien-ba-bau-bi-nhiet-mieng-va-7-cach-chua-nhiet-mieng-tai-nha-2-voh

Dầu dừa có tác dụng chữa nhiệt miệng rất tốt (Nguồn: Internet)

Dầu dừa ngoài công dụng trị rạn da khi mang thai còn giúp giảm nhiệt miệng. Hãy dùng một ít dầu dừa bôi lên vết loét để chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên, vì dầu dừa khá lỏng nên sẽ dễ bị trôi đi, mẹ bầu có thể trộn thêm 1 ít sáp ong vào dầu dừa theo tỉ lệ 2 dầu dừa – 1 sáp ong để làm dầu dừa khó trôi hơn. Có thể bôi vài lần trong ngày,

Cách phòng ngừa nhiệt miệng khi mang thai

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chữa nhiệt miệng bằng biện pháp tự nhiên, mẹ bầu hãy tạo cho mình những thói quen sau đây để phòng ngừa nhiệt miệng khi mang thai:

  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh ăn những loại thức ăn cay.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước muối ấm hoặc nước súc miệng.
  • Bổ sung vitamin cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B12.
  • Tránh stress.

Bà bầu bị nhiệt miệng nên ăn gì ?

Khi bị nhiệt miệng, bà bầu sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống do sự cản trở của vết loét. Vì thế, trong thời gian này mẹ bầu cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng nhiều hơn để vừa có đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày, vừa có thể đảm bảo quá trình phát triển của thai nhi.

Lúc này, mẹ bầu nên chú ý bổ sung nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin B12, A, C, kẽm, axit folic để loại bỏ nhanh cơn đau do nhiệt miệt và giúp làm mát cơ thể từ bên trong. Theo đó, các loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn là:

  • Cà chua
  • Sữa chua
  • Rau xanh.
  • Chè hoặc nước đậu đen.
  • Trái cây ướp lạnh như táo, mận, cam.

Nhìn chung, bà bầu bị nhiệt miệng không phải là vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên các mẹ cũng cần chú ý và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày.

9 cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng tại nhà nhanh nhất : Khi trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng, dù không nguy hiểm nhưng bệnh dễ tái phát, khiến bé khó chịu, quấy khóc...Vì thế, các mẹ hãy tham khảo các cách khắc phục sau đây để chăm sóc bé yêu.
Bỏ túi 6 cách ‘tạm biệt’ nhiệt miệng cực nhanh ngay tại nhà : Hầu như ai cũng từng bị nhiệt miệng, vấn đề chỉ là bị nhiều hay ít mà thôi. Nhiệt miệng dễ gặp, gây nhiều đau đớn nhưng nếu biết cách khắc phục thì nhiệt miệng sẽ không còn là ‘nỗi ám ...
Bình luận