Nguyên nhân nào khiến mẹ bầu bị cứng bụng khi mang thai?

(VOH) – Bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2, bụng mẹ bầu thường bị căng cứng, khiến nhiều mẹ bầu sợ mình bị sinh non. Tuy nhiên, hiện tượng cứng bụng khi mang thai có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra.

Không chỉ lo cho sức khỏe bản thân trong suốt thai kỳ mà mẹ còn phải quan tâm đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Mọi sự biến đổi của cơ thể dù là nhỏ nhất cũng có thể làm mẹ lo lắng, đặc biệt là tình trạng cứng bụng khi mang thai.

Bụng căng cứng trong tam cá nguyệt thứ 2 có phải bình thường?

Nhiều mẹ bầu gặp phải hiện tượng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 4, 5. Hiện tượng này khiến các mẹ lo lắng, tuy nhiên thực tế hiện tượng cứng bụng xuất hiện trong tam cá nguyệt 2 khá bình thường và có thể do những nguyên nhân sau đây gây ra:

  • Bà bầu cứng bụng vì tử cung lớn dần

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, do thai nhi còn nhỏ nên hầu hết các mẹ sẽ không cảm nhận được các cơn cứng bụng. Tuy nhiên, bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2, em bé lớn dần và tử cung cũng phải lớn theo để thích nghi với thai nhi. Khi em bé càng lớn sẽ càng làm tăng diện tích tại khoang chậu giữa bàng quang và trực tràng gây áp lực lên tử cung. Tử cung sẽ gây áp lực lên thành bụng và tạo ra hiện tượng căng cứng bụng.

  • Cứng bụng khi mang thai do khung thai nhi phát triển

nguyen-nhan-nao-khien-me-bau-bi-cung-bung-khi-mang-thai-voh

Thai nhi phát triển cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị cứng bụng trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Thai nhi nằm gọn trong tử cung ngày một lớn dần cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị căng cứng bụng. Lúc này, khung xương của thai nhi đang bắt đầu phát triển và kích thước cũng tăng dần. Vì vậy, mỗi lần cử động hay quẫy đạp, mẹ bầu sẽ cảm nhận được những cơn gò nhẹ rất rõ và những cơn gò cứng bụng này thường không có gì đáng lo ngại.

  • Mẹ bầu bị gầy

Không chỉ do thai nhi, cân nặng của mẹ bầu cũng có thể khiến mẹ gặp phải hiện tượng cứng bụng khi mang thai. Những mẹ bầu gầy, người mỏng, bụng ít mỡ thường có cảm giác bụng bị căng sớm hơn những mẹ bầu có thể trạng lớn. 

  • Cứng bụng do táo bón

Táo bón là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai và tình trạng này cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc bà bầu bị căng cứng bụng.

Ngoài ra, “quan hệ vợ chồng” nhiều trong giai đoạn này cũng dễ gây ra hiện tượng cứng bụng.

Nguyên nhân khiến bụng mẹ căng cứng trong tam cá nguyệt thứ 3 

Bụng căng cứng được cho là một trong những dấu hiệu sắp sinh thường gặp ở mẹ bầu ở tháng cuối thai kỳ. Ngoài khả năng trên, hiện tượng cứng bụng còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non hoặc những cơn cơ thắt sinh lý để chuẩn bị cho quá trình sinh nở:

  • Bụng căng cứng do sinh non

Sinh non có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng thường là do nhiễm trùng. Nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm trùng đường sinh dục đều có thể dẫn đến sinh non.

  • Bụng căng cứng do cơn co sinh lý Braxton Hicks

nguyen-nhan-nao-khien-me-bau-bi-cung-bung-khi-mang-thai-1-voh

Cứng bụng trong tháng cuối thai kỳ có thể do cơn gò Braxton Hicks gây ra (Nguồn: Internet)

Trong thai kỳ, nhất là ở tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu sẽ gặp phải nhiều cơn gò tử cung khác nhau. Đặc biệt, dấu hiệu bụng căng cứng có thể là do những cơn gò co thắt sinh lý Braxton Hicks gây ra. Những cơn gò này thường xảy ra vào buổi chiều hoặc tối và sáng hôm sau thì biến mất.

Đa số mẹ bầu sẽ không cảm thấy khó chịu với những cơn gò Braxton hicks, nhưng một số mẹ bầu nhạy cảm có thể cảm nhận được cơn đau và nhầm lẫn đây là dấu hiệu chuyển dạ. Do vậy, mẹ bầu cần tìm hiểu cách phân biệt cơn gò sinh lý và cơn cơn thắt chuyển dạ để tránh bối rối khi gặp phải tình trạng này.

  • Dấu hiệu sắp sinh

Nếu gần đến ngày dự sinh mà mẹ cảm thấy bụng căng cứng và tình trạng này lặp lại nhiều lần thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy gần đến ngày chuyển dạ. 

Nếu tình trạng bụng căng cứng xuất hiện cùng với các cơn co thắt trong khoảng 1 phút và kéo dài ít nhất một giờ thì điều này có thể là do quá trình sinh nở sắp bắt đầu và mẹ cần đến bệnh viện nhanh chóng.

Cứng bụng khi mang thai cần phải làm gì?

Tìm hiểu vấn đề bụng căng cứng trong thai kỳ, nhất là ở những tháng cuối là rất cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên chú ý đến những dấu hiệu khác xuất hiện bên cạnh tình trạng bụng căng cứng để kịp thời phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh nở:

  • Chú ý đến số lần co thắt.
  • Chú ý xem mẹ có bị đau bụng hoặc gặp phải các triệu chứng bất thường hay không.
  • Chú ý nhiều hơn đến chuyển động của thai nhi.

Ngoài ra, hãy lưu tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ để sẵn sàng cho quá trình sinh con sắp tới. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn để tránh mệt mỏi quá độ và ngăn ngừa nguy cơ sinh non.
  • Khi chạm vào bụng, không được tự ý xoay tròn để tránh gây ra những cơn co thắt.
  • Khi đi bộ trong thai kỳ, mẹ nên cẩn thận không để người hoặc vật va quẹt vào bụng để tránh kích thích tử cung.
  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là trong tháng cuối thai kỳ.

Nhìn chung, hiện tượng cứng bụng khi mang thai có thể là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh non. Do đó, nếu mẹ cảm thấy hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng và gây khó chịu, hãy đến gặp bác sĩ để khám và theo dõi tình trạng của thai nhi, nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời trong những tình huống xấu.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang marrybaby.vn
  2. Trang hellobacsi.com

Cách hít thở khi sinh giúp mẹ giảm đau khi chuyển dạ : Khi chuyển dạ, các cơn gò tử cung sẽ khiến thai phụ vô cùng đau đớn và khó chịu. Tuy nhiên, nếu biết cách hít thở khi sinh sẽ giúp mẹ giảm bớt đau đớn và em bé ra đời cũng dễ dàng hơn.

Hướng dẫn mẹ cách rặn đẻ để sinh con nhanh, ít đau đớn : Mẹ có biết ngoài việc phải quan tâm về những dấu hiệu chuyển dạ, độ mở cổ tử cung thì mẹ còn phải biết cách rặn đẻ để có được một cuộc ‘vượt cạn’ thuận lợi, an toàn cho cả 2 mẹ con.
Bình luận