Nhiều tỉnh, thành phía Nam, số trẻ mắc tay chân miệng tăng vọt

VOH - Tại Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ có số ca mắc tay chân miệng (TCM) gia tăng, có nơi số ca mắc vượt ngưỡng báo dịch. Trung bình khoảng 460 ca mỗi tuần ở 20 tỉnh thành phía Nam.

Tại tỉnh Kiên Giang, số ca TCM trong 6 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2022 (299 ca so với 304 ca), nhưng số ca nặng gia tăng, trong đó có 1 ca tử vong.

mắc TCM tại Phú Quốc
Chăm sóc bệnh nhi mắc TCM tại Trung tâm Y tế TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: SGGP

Các địa phương có số ca mắc TCM cao gồm: Phú Quốc 80 ca, Rạch Giá 50 ca, Hà Tiên 44 ca…

Theo Viện Pasteur TP HCM cho biết từ đầu năm đến nay, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại 20 tỉnh thành miền Nam ghi nhận khoảng 11.000 ca bệnh TCM, trung bình khoảng 460 ca mỗi tuần.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ ghi nhận 103 ca bệnh TCM đang nằm viện. Bình quân mỗi ngày có khoảng 25 ca nhập viện, khoảng 40% trong số đó chuyển tới từ nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Đặc biệt chú ý là số ca nặng tăng nhiều so với năm 2022. Từ đầu năm đến nay có 9 ca độ 3, độ 4; trong đó có 5 ca phải chuyển lên tuyến trên ở TPHCM, 2 ca độ 4 tử vong. Trong khi đó, cả năm 2022 chỉ có 8 ca TCM độ 3, không có ca tử vong.

Tại Đồng Tháp, CDC tỉnh này ghi nhận 902 ca mắc TCM từ đầu năm đến nay, trong đó có 1 ca tử vong.

Tại An Giang, số ca mắc TCM tăng nhanh với 90 ca mới mỗi tuần, vượt ngưỡng dự báo dịch. Tính từ đầu năm, tỉnh An Giang đã ghi nhận 600 ca mắc TCM, trong đó có 1 bệnh nhi TCM chuyển từ Đồng Tháp qua An Giang đã tử vong.

Hiện nay, An Giang chủ yếu thiếu thuốc hỗ trợ điều trị bệnh TCM nặng Immunoglobulin, dự kiến phải đến đầu tháng 7 mới có thuốc. Sở đã yêu cầu các đơn vị y tế rà soát các nguồn lực, củng cố hoạt động điều trị và dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo kịp thời thu dung, điều trị người bệnh TCM.

Theo Viện Pasteur, chủng EV71 đang dần chiếm ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng tay chân miệng. EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác.

Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc TCM ở người lớn vì hầu hết không có triệu chứng lâm sàng, do đó dễ lây lan sang trẻ em.

Bệnh chưa có biện pháp điều trị và phòng chống đặc hiệu. Bệnh tập trung nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi và do virus, rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ.

Về tình trạng thiếu thuốc điều trị TCM, bộ Y tế cho rằng nguyên nhân do khan hiếm nguồn nhập khẩu, tình hình này sẽ được cải thiện từ đầu tháng 7 tới.

Bình luận