Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn

VOH - Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối phức tạp; Nấm phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao; Khuyến cáo từ chuyên gia để phòng ngộ độc khí CO… là các tin nổi bật khác.

Lần đầu tại miền Tây thực hiện ca phẫu thuật khớp gối phức tạp

Tối 1-2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết đã phẫu thuật thành công trường hợp bướu đầu trên xương chày có kích thước lớn, xâm lấn mô mềm bằng phương pháp thay khớp gối chuôi dài. Đây là kỹ thuật đầu tiên được thực hiện tại khu vực miền Tây Nam Bộ.

Bệnh nhân nữ tên L.T.B.N (59 tuổi; ngụ TP Cần Thơ). Tiền sử bệnh nhân có chấn thương gối trái do tai nạn giao thông khoảng 6 tháng. Bệnh nhân đã được mổ sinh thiết lấy mô bướu đầu trên xương chày làm giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán là bướu đại bào.

Xác định đây là một trường hợp khó vì bướu đại thực bào kích thước lớn, xâm lấn gần như toàn bộ mô mềm và mặt khớp gối trái, liên quan với các mạch máu, thần kinh lớn vùng khoeo chân trái, nên các bác sĩ hội chẩn quyết định phẫu thuật sớm hạn chế nguy cơ gây hủy xương.

Sau 5 giờ với hơn 10 y, bác sĩ thực hiện thay khớp gối trái toàn phần có bản lề chuôi dài, đồng thời xoay vạt cơ bụng chân che phủ phần xương đã khuyết, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh, vết mổ khô, cử động cổ chân và các ngón chân tốt, tập đi lại bằng khung.

Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn 1

Sau 5 giờ với hơn 10 y, bác sĩ thực hiện thay khớp gối trái toàn phần, ca phẫu thuật diễn ra thành công. Ảnh: BVCC

Nấm phổi là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị nấm phổi,” do Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức ngày 1/2/2024, tại Hà Nội, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết ngày 1/2 được coi là “Ngày Phòng chống bệnh Nấm Aspergillosis toàn cầu-World Aspergillosis Day.”

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn; 55.000 ca nấm phổi mãn tính do Aspergillus. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 1/1.000 ca mắc được phát hiện bệnh. Tỷ lệ tử vong do mắc nấm phổi xâm lấn rất cao, dao động 30-80%, đặc biệt nếu không được điều trị 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Với nấm phổi mãn tính do Aspergillus, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sau 5 năm, tỷ lệ tử vong là khoảng 50%.

“Tuy tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi. Tuy nhiên, khi bị nấm phổi, chi phí điều trị rất cao, bệnh chưa lại được bảo hiểm y tế thanh toán. Đặc biệt nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao. Chi phí điều trị một ca nấm phổi rất lớn, có ca nặng phải gánh chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, vai trò bảo hiểm y tế lớn trong thanh toán cho người bệnh nấm phổi được điều trị, tránh bỏ sót ngoài cộng đồng,” ông Lượng nhấn mạnh.

Để phòng ngừa mắc nấm phổi, chuyên gia lưu ý người dân nên tránh tiếp xúc với môi trường nấm mốc; giữ gìn vệ sinh môi trường sống; tăng cường sức đề kháng; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện khám bệnh định kỳ nếu có bệnh lý phổi nền.

Khuyến cáo từ chuyên gia để phòng ngộ độc khí CO 

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, hiện nay người dân xây nhà kín để ở, không thoáng khí như nhà gỗ, nhà tranh như trước kia nên việc đốt than củi để sưởi ấm không còn phù hợp. Trong môi trường kín, khí CO từ việc đốt than củi không thoát ra được, sẽ nhanh chóng khiến con người hít phải và gây ngộ độc, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém.

"Không hiểu về tác hại của việc đốt than củi trong phòng kín khiến nhiều người rơi vào cảnh ngộ độc khí CO. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, nên nhớ, việc đốt than củi để sưởi ấm trong phòng kín là vô cùng nguy hiểm", TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Chuyên gia chống độc hướng dẫn thêm, khi phát hiện người bị ngạt khí CO cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì hô hấp nhân tạo theo điều kiện tại chỗ, nếu ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau khi sơ cứu, cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị tiếp.

Người dân tuyệt đối không đốt các loại nhiên liệu như than tổ ong, củi, than hoa, khí gas… để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín. Nếu có sử dụng các nhiên liệu này thì cần mở cửa đủ rộng cho không khí và oxy từ bên ngoài vào hoặc tốt nhất đun nấu ở không gian mở hoặc ngoài trời, còn trong phòng thông khí hạn chế thì nên đun nấu hoặc sưởi ấm bằng điện.

Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn 2
Hình ảnh não bệnh nhân bị tổn thương do ngộ độc khí CO. Ảnh: BVCC.

Người phụ nữ trẻ bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay

Các bác sĩ khoa Ngoại B, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang vừa tiến hành phẫu thuật cắt cụt cánh tay trái cho bệnh nhân Hoàng Thị T (31 tuổi) ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).

Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh nhân xuất hiện u vùng cẳng tay trái từ năm 2020 đã phẫu thuật nhiều lần. Gần đây, bệnh nhân thấy khối u to nhanh trở lại, đau nhiều.

Sau khi vào Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang khám, bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại B xác chẩn bệnh nhân bị Sarcoma vùng cẳng tay trái. Khối u đã xâm lấn tới hệ thống gân cơ, mạch máu, thần kinh làm biến dạng, mất vận động cẳng bàn tay trái và có chỉ định phẫu thuật cắt cụt chi. Quá trình phẫu thuật tiên lượng khó khăn do khối u to gây biến dạng, làm biến đổi giải phẫu, trên nền bệnh nhân thiếu máu.

Ca phẫu thuật kéo dài 1 giờ 30 phút, diễn ra thành công. Sau mổ ngày thứ 3, bệnh nhân ổn định, đau nhẹ, vết mổ khô, liền tốt. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, về nhà.

Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn 3
Bệnh nhân bắt buộc phải cắt bỏ cánh tay phải. Ảnh: BVCC

Đau họng suốt 1 năm không hết, đi khám phát hiện bệnh hiếm gặp

Bệnh nhân Võ Thị D, 63 tuổi, trú tại Quảng Bình đến khám tại khoa Tai Mũi Họng với tình trạng đau vùng họng bên trái lan góc hàm và sau tai. Trước đó, trong suốt một năm qua, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán là viêm amidan và điều trị bằng thuốc mà không thuyên giảm.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị dài mỏm trâm trái, kích thước 38mm. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt mỏm trâm trái, lấy ra một đoạn dài 1,3cm.

Dài mỏm trâm là bệnh lý có thể xảy ra với tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Biểu hiện ban đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với viêm amidan thông thường. Khi nuốt hoặc thực hiện các động tác liên quan đến cơ vùng họng, đầu mỏm trâm sẽ cọ xát gây đau nhức, khó chịu. Nếu không điều trị kịp thời, mỏm trâm sẽ ngày càng dài ra, ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh và gây viêm nhiễm, sưng đau.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có các triệu chứng như đau họng, nuốt vướng, ăn uống khó khăn, đau khi quay đầu, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn 4
Mảnh xương dài hơn 1 cm được cắt bỏ. Ảnh: BVCC

Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng sốt cao thành cơn kèm theo rét run, đau đầu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị... Bệnh nhân được xác định nhiễm khuẩn liên cầu lợn dù không ăn tiết canh.

Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết trước đó ít ngày, nhà bệnh nhân có đám nên mổ lợn. Khi pha thịt lợn, khuẩn liên cầu lợn đã xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân qua vết thương đứt tay trước đó.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sau vài ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, đỡ đau đầu và đang tiếp tục được theo dõi.

Để phòng lây nhiễm khuẩn liên cầu lợn, người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín thịt là điều rất quan trọng (Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo trên 700 độ C). Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh.

Nhịp Sống Khỏe 2/2: Bị ung thư mô mềm phải cắt cụt cánh tay | Không ăn tiết canh cũng nhiễm khuẩn liên cầu lợn 5
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”

 

Bình luận