Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm

VOH - Suýt mất mạng do mắc sốt xuất huyết nhưng tự uống thuốc; Bé gái 5 tuổi nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp; Ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật điều trị ung thư xương… là các tin nổi bật khác

Bị hôn mê sau khi ăn ốc

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, khoảng 30 phút sau khi ăn một con ốc bùn bóng, bệnh nhân T.V.B (37 tuổi, quê Nghệ An) xuất hiện tê miệng, tê tay, tê chân. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu. Sau khoảng 2 giờ nhập viện, bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp; bệnh nhân được xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, truyền dịch, duy trì vận mạch.

Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An trong tình trạng ý thức mê, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, mất phản xạ ánh sáng, thở máy qua nội khí quản, duy trì vận mạch Adrenalin. Sau khi thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán: Ngộ độc Tetrodotoxin sau ăn ốc bùn bóng

Bệnh nhân được điều trị tích cực, thở máy, bài niệu tích cực, kiểm soát huyết động. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, đã được rút ống nội khí quản, ý thức tỉnh táo.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phúc – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, một số loài hải sản có độc tố thần kinh Tetrodotoxin có thể gây độc và dẫn tới tử vong cho con người. Một số loài sản sinh chất độc Tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…

Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 1
Hình ảnh con ốc bùn bóng mà bệnh nhân đã ăn

Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 

Bệnh nhân N.P.L. (trú TP. Nha Trang, Khánh Hòa) được chuyển đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) trong tình trạng mặt sưng vù, bên hàm phải đau nhức dữ dội.

Khai thác thông tin, bệnh nhân L. cho biết, trước khi nhập viện, chị đi khám và điều trị răng tại một phòng khám nha khoa tư nhân trên địa bàn TP. Nha Trang và được cho chỉ định gây tê gai Spix (là kĩ thuật gây tê cho dây thần kinh hàm dưới). Khi đâm đoạn kim gây tê vào hàm thì phát hiện kim gây tê bị gãy, đoạn gãy nằm hoàn toàn trong phần mô mềm của góc hàm phải.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân L. và tiến hành thăm khám, chụp X-Quang, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã đưa chị L. vào phòng mổ và lấy đoạn kim gây tê gãy dài 2cm đã ra khỏi hàm bệnh nhân.

Đến ngày 22/1, sức khỏe bệnh nhân L. tiến triển tốt, vị trí bị đoạn kim gây tê đâm không còn sưng và đau nhức.

Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 2
Đoạn kim gây tê được lấy ra khỏi góc hàm phải bệnh nhân L. Ảnh SKĐS

Suýt mất mạng do mắc sốt xuất huyết nhưng tự uống thuốc 

Ngày 22-1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết sau 32 ngày điều trị tích cực, các bác sĩ tại đây đã điều trị thành công cứu nam bệnh nhân 21 tuổi bị thiếu máu tán huyết, suy đa cơ quan vì sốt xuất huyết nặng.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da. Bệnh sử trước đó, bệnh nhân sốt, đau mỏi cơ nhiều nhưng tự mua thuốc giảm đau uống không bớt. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân sốt cao, đau cơ, tiểu nước tiểu đỏ toàn dòng nên nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng thể não, sốc, tổn thương gan nặng, tán huyết cấp, được điều trị thở máy, chống sốc tích cực, hỗ trợ gan và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết.

Sau nhiều ngày điều trị tích cực, bệnh nhân cải thiện, suy thận hồi phục, có nước tiểu, giảm vàng da, hết tán huyết.

Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 3
Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng thể não, sốc, tổn thương gan nặng, tán huyết cấp, được điều trị thở máy. Ảnh NLĐ

Bé gái 5 tuổi nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp

Chiều 22.1, BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho hay, các bác sĩ ở đây vừa kịp thời cứu sống bé gái bị nguy kịch do viêm cơ tim tối cấp, sốc tim.

Bé gái này là cháu Đ.T.T.T (5 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ). Cách nhập viện 2 ngày, bé T. bị sốt nhẹ, than mệt, nhức đầu nhưng một ngày sau đó, bệnh nhi đau ngực, ói, tay chân lạnh. Bé được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, xét nghiệm troponin I tăng cao nên được hỗ trợ hô hấp đặt nội khí quản để thở, truyền adrenalin và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Sau 12 ngày đêm chạy ECMO, các bác sĩ đã nỗ lực xử trí các chuyển biến bất thường của nhịp tim, cơ tim và huyết động; điều trị hỗ trợ các cơ quan gan, thận, điều chỉnh điện giải, kiềm toan nên tình trạng tim của bệnh nhi đã hồi phục dần.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến cảnh báo, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết thất thường: sáng nóng, tối lạnh, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ em và người lớn với biểu hiện như: sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực... Nếu xảy ra các hiện tượng trên, chúng ta nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.

Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 4
Bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Ảnh: BVCC

Ứng dụng công nghệ in 3D trong phẫu thuật điều trị ung thư xương

Ngày 22/1, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City công bố các bác sỹ tại Vinmec đã tiến hành thay thế đồng thời cả xương chậu và một phần xương đùi trong một lần mổ để điều trị loại ung thư xương rất hiếm gặp.

Đặc biệt, ca mổ đã sử dụng thiết kế xương nhân tạo mới in 3D do đội ngũ bác sỹ, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thử nghiệm qua gần 100 tình huống mô phỏng để đạt độ tối ưu cao nhất, giúp cứu được tính mạng và đẩy nhanh thời gian phục hồi hơn gấp nhiều lần so với trước đây cho người bệnh.

Hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhân đã có thể tự mình ngồi dậy vững chắc và sau 10 ngày, đã có thể một mình tập thành thạo di chuyển bằng nạng với quãng đường lên tới 50m mà không có bất kỳ khó khăn hay đau đớn nào. Thời gian hồi phục trong trường hợp này, khi so sánh với một số báo cáo trong nước và quốc tế về thay xương chậu nhân tạo, đã rút ngắn chỉ còn 1/3 thời gian.

Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 5
Bệnh nhân đã có thể tự mình ngồi dậy vững chắc và sau 10 ngày đã có thể một mình tập thành thạo di chuyển bằng nạng. Ảnh: Vietnam+
Nhịp Sống Khỏe 23/1: Bị hôn mê sau khi ăn ốc | Nhập viện do kim gây tê gãy găm vào hàm 6
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”

 

Bình luận