Nhịp Sống Khỏe 27/2: Cảnh báo viêm thanh quản cấp ở trẻ | Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng sau Tết

VOH - Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ tư tử vong nghi do bệnh dại; Đột phá trong nghiên cứu điều trị hen suyễn thể nặng; Người dân Gaza mắc nhiều loại bệnh vì thiếu nước sạch… là các tin nổi bật khác.

 

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng sau Tết

Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong thời gian gần đây luôn trong tình trạng quá tải. Số ca nhập viện cấp cứu do biến chứng nặng tăng lên so với dịp sau Tết mọi năm. Đa phần là bệnh nhân lớn tuổi đái tháo đường lâu năm mắc phải một bệnh nhiễm trùng, thông thường là hô hấp do thời tiết lạnh và tiết niệu hoặc biến chứng gây mất cảm giác ở bàn chân nên bị vật lạ xâm nhập mà không phát hiện ra.

Bác sĩ cho biết thêm người có các bệnh lý nền như đái tháo đường, gút, suy giảm miễn dịch, thường có nguy cơ cao bị viêm mô mềm. Bệnh nhân chủ quan xử lý sai cách dẫn đến tình trạng nghiêm trọng. Việc chỉ định cắt cụt chi là biện pháp để điều trị vùng chi tổn thương bị hoại tử. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

Để tránh hậu quả đáng tiếc vì chủ quan trong điều trị của bệnh nhân đái tháo đường, đối với người lớn tuổi, khi mắc một bệnh nhiễm trùng, việc kiểm soát đường huyết trở nên rất phức tạp, đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị. Vì vậy, khi có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân không tự ý điều trị, cần phải được đưa tới các bệnh viện chuyên khoa có chuyên môn và uy tín để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia.

Nhịp Sống Khỏe 27/2: Cảnh báo viêm thanh quản cấp ở trẻ | Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng sau Tết 1
Một bệnh nhân đái tháo đường phải cắt cụt chân. Ảnh: BaoGiaoThong

Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ tư tử vong nghi do bệnh dại

Sáng 26/2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi mắc bệnh dại tại huyện Krông Pắk. Đây là trường hợp thứ tư nghi tử vong do bệnh này tính từ đầu năm đến nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân là Y.L.W.N (sinh năm 1996, dân tộc Êđê, trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk). Trước đó, ngày 23/2, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng khó thở, tức ngực khi uống nước. Người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, sợ nước, sợ gió, khó thở, tức ngực. Các bác sỹ chuẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn. Ngày 24/2, bệnh nhân được bác sỹ tiên lượng nặng, phức tạp, có thể tử vong. Gia đình xin cho bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Nhiệt Đới (TPHCM). Bệnh nhân tử vong lúc 22 giờ 30 phút ngày 25/2.

Theo lời khai của người nhà, trước đó khoảng 4 tháng, bệnh nhân bị chó nuôi trong nhà cắn vào lòng bàn tay trái và không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Cảnh báo viêm thanh quản cấp ở trẻ

Viêm thanh quản là bệnh lý tai mũi họng rất thường gặp. Đặc biệt ở thời điểm hiện tại khi thời tiết thất thường, các đợt không khí lạnh mạnh tràn về thì tỷ lệ trẻ nhập viện vì bệnh lý này tăng cao.

Đây là tình trạng viêm niêm mạc ở thanh quản, bệnh có thể tiến triển dạng cấp tính hay mạn tính. Dựa trên các đặc điểm được chia làm 4 loại: Viêm thanh quản thanh môn, viêm thanh quản co thắt, viêm thanh thiệt và viêm thanh quản bạch cầu.

Bác sĩ cho biết trẻ bị viêm thanh quản mức độ nặng thường xuất hiện các triệu chứng như thở rít khi nằm yên, khó thở nặng, kích thích, vật vã, tím tái. Tình trạng lúc này trẻ đã bị tắc nghẽn hô hấp, rất nguy hiểm và cần được nhập viện điều trị.

Tùy vào tình trạng, mức độ nặng nhẹ của trẻ thì các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị khác nhau. Để phòng tránh bệnh lý viêm thanh quản, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho con khi thời tiết chuyển mùa, tránh để con tiếp xúc với khói thuốc lá hay với những người đang mắc các bệnh hô hấp.

Nhịp Sống Khỏe 27/2: Cảnh báo viêm thanh quản cấp ở trẻ | Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng sau Tết 2
Nguyên nhân gây ra viêm thanh quản là virus (cúm, APC...), vi khuẩn và trực khuẩn bạch hầu.

Đột phá trong nghiên cứu điều trị hen suyễn thể nặng

Trong nghiên cứu mới công bố ngày 26/2, các nhà khoa học đã phát hiện ra các cytokine beta phổ biến - một nhóm phân tử gây viêm - có thể kiểm soát tình trạng viêm và sẹo đường thở ở các ca hen suyễn nặng và kháng steroid. Các chuyên gia tin rằng loại kháng thể trị liệu ở người có tên là trabikihart có thể là chìa khóa để ngăn chặn tình trạng viêm và sẹo một cách hiệu quả.

Đồng tác giả của nghiên cứu, chuyên gia Damon Tumes, lãnh đạo Phòng Thí nghiệm dị ứng và miễn dịch ung thư ở UniSA, đánh giá các biện pháp chữa trị hiện nay vẫn còn hạn chế do chỉ nhắm tới những phân tử đơn lẻ khi có nhiều tế bào và con đường gây ra bệnh hen suyễn.

Theo chuyên gia Tumes, viêm và tổn thương mô trong bệnh lý hen suyễn nặng do một số loại tế bào miễn dịch gây ra sau khi xâm nhập vào phổi do các chất gây dị ứng, virus và các vi khuẩn khác tương tác với đường thở. Ở một số trường hợp, triệu chứng viêm là do kháng steroid - phương pháp điều trị kiểm soát hen suyễn đầu tiên. Việc dùng 1 loại thuốc duy nhất nhắm tới các cytokine gây viêm có thể là chìa khóa điều trị và kiểm soát các bệnh mãn tính đường thở nghiêm trọng và phức tạp.

Nhịp Sống Khỏe 27/2: Cảnh báo viêm thanh quản cấp ở trẻ | Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng nặng sau Tết 3
Hen suyễn là bệnh lý viêm mãn tính đường hô hấp thường gặp nhất. Ảnh minh họa: nypost.com

Người dân Gaza mắc nhiều loại bệnh vì thiếu nước sạch

Do thiếu nước sạch, người dân ở Dải Gaza đang mắc nhiều loại bệnh, trong đó có viêm gan, căn bệnh phổ biến đặc biệt ở trẻ em. 

Em bé 7 tuổi Mona Abu Shawish, đã bị mắc bệnh viêm gan do uống nước ở khu tạm trú. Hiện cô bé vẫn chưa được điều trị. Nơi tạm trú này hiện có khoảng 200 người và vì không có điều kiện cách ly nên virus viêm gan tiếp tục lây lan.

Ngoài tình trạng dịch bệnh lây lan, người dân phải di dời tại nơi trú ẩn còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Do vậy, rất ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc cho biết do điều kiện vệ sinh kém ở Dải Gaza, người dân địa phương đang phải hứng chịu sự lây lan của dịch bệnh. Tổ chức này cho biết nước sạch hiện đang khan hiếm ở Gaza và chất thải rắn ngày càng gia tăng, đẩy nhanh sự lây lan của dịch bệnh ở đây.

Bình luận