Ô nhiễm không khí cao: Phòng bệnh ngay trước khi quá muộn

(VOH) - Cho tới 10h sáng 21/9, làn sương mỏng xám tại TPHCM vẫn chưa tan – và đây không phải là điều hiếm thấy, đặc biệt trong vài ngày gần đây.

Ngân hàng Thế giới (WB) từng xếp TPHCM vào 1 trong 10 thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất thế giới. Kết quả quan trắc chất lượng không khí trong nhiều năm qua cũng cho thấy thành phố đang bị ô nhiễm bụi ở cả khu vực ven đường và trong khu dân cư.

Không khí là vô hình và bụi li ti trong không khí cũng khó có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nhưng khi đã tới mức nhìn được không khí màu xám, lơ lửng trước mắt, che khuất cả những tòa nhà cao tầng thì việc bảo vệ sức khỏe trước các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí cần được đặt lên hàng đầu.

Tại TPHCM, 10h sáng, làn sương xám mỏng vẫn chưa tan (Ảnh: LH)

Những bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí

Không hít thở con người sẽ không thể sống nhưng khi hít thở, hầu hết chúng ta không thể kiểm soát được mình đang tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm ở mức nào. Chính vì thế, ảnh hưởng của không khí bị ô nhiễm tới sức khỏe là điều khó tránh khỏi.

TPHCM thống kê có tới 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 7 triệu xe gắn máy, thải ra một lượng  lớn khí thải độc hại như CO2, NO2, NO, SO2 (chưa kể bụi than và bồ hóng).

Những khí thải độc hại, bụi siêu mịn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe với biểu hiện như chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè… và về lâu dài đẩy nhanh quá trình lão hóa của con người, giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư…

Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO từng xác nhận tổ chức này có đủ dữ liệu để kết luận bụi PM (particulate matter) gây ung thư ở người. Ngay ở Anh, mỗi năm ước tính có tới 8% ca ung thư phổi liên quan đến bụi PM 2.5.

Thống kê mới của IARC cũng cho thấy hơn 220.000 trường hợp tử vong do ung thư phổi trên toàn thế giới có liên quan đến ô nhiễm không khí và đây cũng là nguyên nhân liên quan đến tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang.

Theo thống kê, riêng tại TPHCM có 29,1% trẻ em mắc bệnh hen suyễn do ô nhiễm khói bụi. Trẻ em luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi ô nhiễm không khí bởi cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp đôi người lớn. Trẻ càng sống gần mặt đường, công trình xây dựng hay nhà máy công nghiệp, nguy cơ bệnh hô hấp (nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn) càng cao.

Phòng bệnh trước khi quá muộn

Mặc dù, khi hít phải những loại không khí chứa bụi này các tuyến hô hấp trên như mũi, viêm mạc... sẽ giữ lại một phần bụi nhưng nếu hít phải khí bụi ô nhiễm trong thời gian dài, sẽ gây viêm nhiễm đường hô hấp, từ từ một số chất độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sơ phổi… Một số người có thể mắc bệnh hen, suyễn, hoặc là bệnh viêm mũi họng tái đi tái lại thường xuyên.

Khi tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng việc chủ động phòng tránh không gì khác ngoài tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với khói bụi.

Đeo khẩu trang kĩ thuật: Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người cần đeo khẩu trang khi ra đường. Loại khẩu trang nên sử dụng là loại khẩu trang chuyên dụng (khẩu trang kỹ thuật), khẩu trang hoạt tính - chứ không phải các loại khẩu trang vải/khẩu trang y tế/hay khăn voan trùm đầu cho trẻ bày bán ở lề đường vì hầu hết chúng không thể ngăn được bụi siêu nhỏ và bảo vệ được sức khỏe.

Khẩu trang vải gần như không có tác dụng năng chặn bụi siêu mịn (Ảnh: LH)

Các loại khẩu trang chuyên dụng sẽ làm giảm số lượng các chất ô nhiễm bạn hít phải, ngăn ngừa các vấn đề về đường thở như ngứa cổ họng, khó thở, thở khò khè, ho...

Cần nhớ khẩu trang cũng có “hạn sử dụng” và khả năng bảo vệ người dùng giảm dần theo thời gian vì vậy, người dân cần cân nhắc lựa chọn và sử dụng phù hợp.

Đeo kính: Không khí ô nhiễm có thể gây ngứa, khô, dị ứng mắt. Để giảm tác hại của không khí ô nhiễm, bạn nên đeo kính râm khi đi ra đường. Sau khi về nhà, sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm sạch và khử trùng mắt.

Nếu các chất ô nhiễm đã xâm nhập vào mắt, tránh dụi mắt trực tiếp. Thay vào đó, bạn nên rửa mắt bằng nước sạch.

Tránh tới những nơi không khí bị ô nhiễm

Nên hạn chế qua lại những khu vực thường bị ô nhiễm như đường đông đúc, kẹt xe, khu công nghiệp, khu đang xây dựng hoặc sống gần đường cao tốc, đường lớn.

Không khí bị ô nhiễm cao nhất vào giữa buổi, dưới ánh nắng mặt trời cao – do đó, hạn chế ra đường vào thời điểm này.

Nếu nhà ở ngay mặt đường, tránh mở cửa sổ phía ngoài đường hoặc chỉ mở cửa khi thời tiết mát mẻ, mật độ giao thông thấp nhất trong ngày.

Giữ không khí sạch trong nhà

Không phải chỉ có những khu vực sản xuất công nghiệp, ngoài đường hay những khu vực chứa rác thải mới có mặt của sự ô nhiễm. Một số chất ô nhiễm ngoài trời, như các hạt mịn và ozone, có thể xâm nhập vào nhà. Ngoài ra, còn có các chất ô nhiễm khác từ khói thuốc lá, sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng...

Do đó, cần thường xuyên lau dọn, giữ nhà cửa sạch sẽ, trồng nhiều cây xanh trong nhà, khuôn viên nhà bởi nhiều loại cây xanh có khả năng lọc sạch không khí. Một số nghiên cứu cho thấy cây xanh có thể hấp thụ tới khoảng 6% các loại khí độc và giúp loài bỏ bụi bẩn.

Bình luận