Phẫu thuật u xơ vòm hầu bằng phương pháp nội soi kết hợp tắc mạch

(VOH) - Chiều ngày 22/12, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) tổ chức buổi họp báo về ca mổ vòm hầu bằng phương pháp nội soi kết hợp với tắc mạch để tránh máu chảy ra và biến chứng sau phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi kết hợp tắc mạch giúp giảm nguy cơ tái phát khối u

Theo đó, bệnh nhân là một bé trai được đưa đến bệnh viện vào ngày 22/11. Sau quá trình xem xét và đánh giá, các bác sĩ của bệnh viện xác định bé bị u xơ vòm hầu đã trên 1 năm và tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài trong vòng 5 tiếng và diễn ra thuận lợi.

Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp nội soi kết hợp với phương pháp tắc mạch để máu không còn chảy ra trong quá trình phẫu thuật. Được biết, trước đó gia đình đã đưa bé đến cơ sở y tế tuyến dưới nhưng chỉ được chẩn đoán chảy máu cam bình thường.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như – Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Phương pháp mổ u xơ vòm qua nội soi là một cuộc cách mạng trong phẫu thuật u xơ vòm đối với ngành tai - mũi - họng nói chung và nhi khoa nói riêng. Nội soi giúp làm giảm những biến chứng nặng nề của cuộc phẫu thuật. Bên cạnh đó, phương pháp tắc mạch sẽ làm giảm khả năng tái phát của khối u”.

 u xơ vòm hầu
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Tuân Như chia sẻ về ca phẫu thuật u xơ vòm hầu

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thực hiện phương pháp nội soi kết hợp tắc mạch từ năm 2019. So với phương pháp phẫu thuật cũ, phẫu thuật bằng nội soi sẽ giúp bệnh nhân giảm lượng máu mất đi, cụ thể bệnh nhân chỉ mất khoảng 225ml máu thay vì 1.250ml máu như khi thực hiện bằng phương pháp mổ hở.

Việc sử dụng nội soi kết hợp với tắc mạch nguy cơ tái phát bệnh sẽ gần như bằng 0%. Đối với phương pháp mổ hở nguy cơ lên đến 24%. Theo Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, những ca phẫu thuật mổ hở trước đây có nhiều trường hợp đã bị tái phát.

U xơ vòm hầu thường gặp ở trẻ em nam

U xơ vòm là một bệnh lành tính thường gặp ở trẻ nam vào độ tuổi dậy thì. Đây là bệnh lý bắt buộc phải phẫu thuật. Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh chưa được tìm ra một cách cụ thể, chỉ thấy có sự liên quan đến nội tiết tố của con người.

Tỷ lệ trẻ mắc bệnh khoảng 0,5% của tổng khối u đầu và cổ. Đối với khối u nhỏ sẽ giúp cuộc phẫu thuật dễ dàng hơn. Khối u lớn sẽ gây khó khăn cho việc cắt bỏ, máu chảy nhiều và nguy cơ biến chứng cao. Hậu phẫu, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để ngăn ngừa tái phát.

Khi bị mắc u xơ vòm mũi họng, bệnh nhân sẽ nói bằng giọng mũi và có thể trở nên trầm trọng nếu tình trạng sưng to lên, ép khẩu cái mềm xuống. Sự bít tắc của lỗ vòi nhĩ có thể gây điếc và chảy tai.

Bên cạnh đó, tình trạng nhức đầu có thể do viêm xoang mãn tính hoặc sự chèn ép nội sọ. Ngoài ra, áp lực lên mô đệm thị giác do khối u ăn mòn vào khoang sợ có thể gây ra nhìn đôi.

Liệu pháp tắc mạch là một cuộc cách mạng trong phẫu thuật khối u vòm. Phương pháp này vừa làm giảm tỉ lệ mạch chảy máu khi phẫu thuật, vừa giúp ngăn ngừa tái phát. Bởi vì, khi khối u được tắt mạch cung cấp máu thì khả năng tự hủy sẽ cao hơn bình thường.

Tuy nhiên, nếu mạch được tắc đúng sẽ giúp bệnh nhân giảm lượng máu chảy và cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra thuận lợi. Ngược lại, khi tắc mạch mà thả vào khối u không bịt được hoàn toàn thì sẽ làm cho bệnh nhân chảy nhiều máu và gây khó khăn hơn cho quá trình phẫu thuật.

Được biết, khi bé trai trên bị chảy máu gia đình đã thực hiện phương pháp nhét gòn, chườm đá rồi cho bé nằm nghỉ. Theo bác sĩ Như, đây là cách xử lý sai và hầu như chỉ có 20% gia đình xử lý đúng cách.

u xơ vòm hầu
So sánh về các thông số của hai phương pháp phẫu thuật u xơ vòm hầu

“Khối u vòm khi xuất hiện có thể sẽ diễn tiến từ 1 đến 2 năm thì người nhà mới phát hiện vì biểu hiện đầu tiên của bệnh này cũng giống như tình trạng chảy máu cam ở trẻ. Khi trẻ bị chảy máu, gia đình nên dùng tay đè cánh mũi, để trẻ ngồi đưa đầu ra trước để đánh giá được thời gian và mức độ chảy máu của trẻ.

Tùy theo thời gian chảy, tình trạng sẽ được chia ra ở nhiều mức độ khác nhau như: dưới 5 phút là nhẹ; từ 5 phút đến 15 phút là trung bình; từ 15 đến 30 phút là tình trạng nặng. Đối với khối u này, máu chảy sẽ khó cầm, lượng máu mất sẽ nhiều. Nếu trong vòng 15 phút, trẻ ngừng chảy thì có thể trì hoãn nhưng nếu trên 15 phút phải đưa trẻ đến bệnh viện khám khẩn” - bác sĩ Nguyễn Tuấn Như chia sẻ thêm.

Tình trạng u xơ vòm mũi họng nếu để lâu thì khối u nằm ở hốc mũi sẽ gây ra những biến chứng đối với các vùng xung quanh như: sọ, hốc mắt, tai.

Đối với tai thì khối u sẽ gây ra ù tai, viêm tai, nghe kém. Đối với mắt thì khối u sẽ làm viêm dây thần kinh thị giác gây mù mắt hoặc ảnh hưởng đến các cơ mãn nhãn sẽ khiến mắt không thể nhìn rõ, nhìn đúng.

Ngoài ra, khi khối u ảnh hưởng lên sọ sẽ xâm lấn sàn sọ làm cho vỡ sàn sọ. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có tình trạng bị u xơ vòm, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bình luận