Phụ huynh không quá lo lắng, hoảng loạn vì nhiễm sán heo!

(VOH) - Trừ một số trường hợp đặc biệt rất hiếm gặp sán mới có thể gây hại cho người bệnh. Do đó, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng.

Trước thông tin hơn 200 học sinh tại Bắc Ninh nhiễm sán lợn làm cho các bậc phụ huynh hoảng loạn, dẫn đến việc ùn ùn đưa con đi xét nghiệm, ở góc nhìn y học phân tích, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, phụ huynh không nên quá hoang mang.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo Bác sĩ Khanh, giun sán có rất nhiều trong môi trường sống như trong đất, trong phân, rau, củ quả, thức ăn tái chưa được làm sạch hay nấu chín... hoặc ấu trùng ký sinh trên chó, mèo. Với bệnh sán heo hay còn gọi là sán dải heo, triệu chứng của bệnh giun sán không quá khó.

Nếu giun sán tồn tại trong ruột sẽ được bài tiết ra ngoài môi trường bằng đường tiêu hóa, cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng cho trẻ như đau bụng vặt, sụt cân, thiếu máu, không tăng cân, ăn uống kém hấp thu.

Trong nhiều trường hợp, giun sán có thể đi ra ngoài da gây sang thương vùng da nó di chuyển, thậm chí xâm nhập vào nội tạng, vào mắt, lên não tuy nhiên những tình huống trên rất là hiếm. Bác sĩ Khanh khuyến cáo: Nếu có dấu hiệu lâm sàng trong những trường hợp sán chui lên não, nội tạng thì phải đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán hình ảnh để biết chính xác. Còn việc điều trị sán cũng rất dễ có thể điều trị bằng cách cho trẻ uống thuốc xổ giun là khỏi. Trừ một số trường hợp đặc biệt rất hiếm gặp sán mới có thể gây hại cho người bệnh. Do đó, phụ huynh không quá hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, phụ huynh nên chủ động phòng ngừa cho trẻ với các biện pháp, từ 3 đến 6 tháng xổ giun định kỳ cho trẻ 1 lần.

Để chủ động phòng bệnh sán heo và ấu trùng sán heo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh, không sử dụng thịt heo bệnh để chế biến thực phẩm, không ăn thịt heo tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh. Ở những địa phương có tập quán chăn nuôi heo thả rong cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dải heo trưởng thành, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không nuôi heo thả rông./.

Bình luận