Phụ nữ mang thai cần chuẩn bị gì để phòng COVID-19 khi mang thai và sinh nở?

(VOH) - Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi về thể chất, hệ thống miễn dịch suy giảm. Vậy phụ nữ mang thai cần đề phòng như thế nào trước đại dịch COVID-19?

Mang thai là giai đoạn mà cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi về thể chất, hệ thống miễn dịch dần suy giảm. Thai phụ rất dễ bị dị ứng thời tiết, cảm cúm, nhiễm lạnh hoặc mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và thai nhi.

Do đó, mang thai trong giai đoạn đại dịch như hiện nay có thể khiến nhiều phụ nữ thực sự lo lắng. Tuy nhiên, tin tốt là cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus SARS-CoV-2– theo Tiến sĩ Denise Jamieson (Đại học Emory, Hòa Kỳ).

Các đánh giá hiện tại về SARS-CoV-2 dựa phần lớn vào một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí The Lancet. Nghiên cứu này cho thấy, trong 09 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 (ở 3 tháng cuối thai kỳ) tại Vũ Hán, Trung Quốc, không có phụ nữ nào bị bệnh nặng và tất cả các em bé của họ đều được sinh ra khỏe mạnh.

Tiến sĩ Jamieson lưu ý, chúng tôi không có nhiều bằng chứng về loại virus này và mặc dù dữ liệu về các trường hợp mang thai ở 3 tháng cuối thai kỳ có vẻ khá ổn nhưng chúng ta vẫn chưa biết nhiều về sự ảnh hưởng của COVID-19 đối với những phụ nữ mang thai giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa thai kỳ. Do đó, phụ nữ mang thai vẫn nên chủ động phòng ngừa COVID-19.

phụ nữ mang thai, covid-19

Khi chưa có loại thuốc đặc trị COVID-19, việc tốt nhất có thể làm là phòng bệnh cho phụ nữ mang thai bằng cách tuân theo các khuyến nghị như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người. (Ảnh: Istock)

Phòng ngừa COVID-19 trong quá trình mang thai

Theo tiến sĩ Jamieson, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai sẽ giảm xuống trong thai kỳ, do đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh truyền nhiễm.

Các khuyến nghị chính thức đối với phụ nữ mang thai hiện tại cũng giống như đối với người dân nói chung, bao gồm tránh đám đông, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và không chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

Theo Tiến sĩ Jamieson, phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ của mình về việc theo dõi thai kỳ từ xa để tránh các cuộc tiếp xúc, khám bệnh không cần thiết tại phòng khám, bệnh viện - ngoại trừ những mốc kiểm tra, siêu âm, xét nghiệm quan trọng.

Trước khi tới khám thai, người mẹ cũng nên đặt lịch hẹn để bác sĩ sắp xếp, tránh tình trạng chờ đợi lâu và tập trung đông người ở nơi có nhiều người thăm khám.

Phòng ngừa COVID-19 khi sinh nở

Bộ Y tế cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với toàn đất nước ta nói chung và ngành y tế nói riêng. Tuy nhiên, Hệ thống khám chữa bệnh Trung ương tới cơ sở vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và điều trị bệnh nhân theo các hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến của Bộ Y tế. 

Do đó, phụ nữ đang mang thai chuẩn bị đến thời điểm sinh nở cũng không cần quá lo lắng khi nhập viện. Việc quan trọng mà phụ nữ mang thai và gia đình nên làm trong giai đoạn này là luôn chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ hồ sơ y tế, hồ sơ khám thai định kỳ của mình để mang tới bệnh viện khi có dấu hiệu chuyển dạ.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, một thay đổi lớn tại nhiều bệnh viện là hạn chế nhập viện không cần thiết, một bệnh nhân chỉ được một người nuôi bệnh chăm sóc và hỗ trợ tinh thần, đặc biệt là ngưng hoàn toàn việc thăm bệnh.

phụ nữ mang thai, covid-19

Chúng ta có thể đảm bảo cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh an toàn bằng cách giữ cho mọi người xung quanh họ khỏe mạnh. (Ảnh: Healthywomen)

Như vậy, người nhà cần tính toán kĩ và cắt cử 01 người duy nhất để đi cùng sản phụ khi chuyển dạ và sinh nở. Thông báo tới người thân về việc không đến viện thăm trong thời gian trước và sau sinh.

Chú ý, bởi COVID-19 là căn bệnh nguy hiểm hơn đối với người lớn tuổi, nên người chăm sóc sản phụ nên là người trẻ tuổi, không nên để bà nội/bà ngoại hay người thân cao tuổi chăm sóc sản phụ trong giai đoạn dịch bệnh này.

Ngoài ra, gia đình cũng cần có phương án dự phòng về người chăm sóc thứ hai thay thế trong trường hợp người chăm chính bị nhiễm COVID-19 và phải cách ly.

Để có thể nắm rõ hơn các quy định này, phụ nữ mang thai nên liên hệ trước với bệnh viện (mình dự định sẽ sinh) để tham khảo những quy tắc hiện hành đối với bệnh nhân và người nhà.

Cần làm gì khi sản phụ nhiễm COVID-19 trước và sau sinh?

Nếu phụ nữ mang thai bị nghi ngờ nhiễm COVID-19 hoặc được xác định nhiễm COVID-19 thì cũng không cần quá lo lắng vì hệ thống y tế nước ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp này. Nước ta cũng đã có nhiều em bé được sinh ra khỏe mạnh tại khu vực cách ly. Vì vậy, trong trường hợp này, sản phụ và người nhà chỉ cần làm theo chỉ định từ các chuyên gia y tế là có thể đảm bảo được an toàn cho cả mẹ và con.

Nghiên cứu ban đầu chưa cho thấy bằng chứng về việc virus có thể lây truyền trong tử cung, trong khi sinh hoặc qua sữa mẹ. Theo CDC Hoa Kỳ, không có trẻ sơ sinh nào sinh ra từ những bà mẹ có COVID-19 được xét nghiệm dương tính với virus COVID-19. Trong những trường hợp này, một lượng nhỏ virus cũng không được tìm thấy trong các mẫu nước ối hoặc sữa mẹ.

Tuy nhiên, như các hình thức lây khác, COVID-19 có thể lây truyền sau khi sinh khi trẻ sơ sinh tiếp xúc gần gũi với người mẹ nhiễm bệnh.

Về việc nuôi con bằng sữa mẹ, CDC Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn tạm thời đối với người mẹ bị nghi nhiễm COVID-19 hoặc đã được xác nhận nhiễm COVID-19 như sau: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho hầu hết trẻ sơ sinh và cung cấp kháng thể giúp trẻ chống lại nhiều bệnh tật. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ không khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ, CDC khuyến nghị người mẹ tiếp tục cho con bú hoặc vắt sữa cho con bú trong khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây truyền virus cho con.

Khi cho trẻ bú cần sử dụng biện pháp phòng ngừa như: rửa tay sạch bằng nước và xà phòng trước khi chạm vào trẻ sơ sinh, đeo khẩu trang trong khi cho con bú. Nếu vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa, người mẹ nên rửa tay trước khi chạm vào bất kỳ bộ phận nào của máy vắt hoặc bình sữa và vệ sinh máy hút sữa đúng cách sau mỗi lần sử dụng.

Theo CDC, hướng dẫn này chỉ là tạm thời dựa trên những hiểu biết về COVID-19 và việc lây lan các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác. CDC sẽ cập nhật hướng dẫn tạm thời này khi có thêm thông tin.

Tùy tình hình thực tế, việc có tiếp tục cho con bú hay không nên được quyết định bởi người mẹ và các chuyên gia y tế chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho hai mẹ con.

Cập nhật dịch Covid-19 sáng 2/4: Việt Nam thêm 4 ca nhiễm mới - Trong đó 1 ca là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân tại BV Bạch Mai, 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh như thế nào? - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí bệnh COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Bình luận