Rạn da khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa

(VOH) – Rạn da khi mang thai là hiện tượng phổ biến ở mẹ bầu, tình trạng này khiến các mẹ vô cùng tự ti, mặc cảm. Vậy tại sao mẹ bầu lại bị rạn da khi mang thai và làm sao khắc phục?

Theo các số liệu thống kê, có khoảng 90% phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ bị tình trạng rạn da. Các vết rạn thường không gây hại cho sức khỏe mẹ bầu nhưng lại ảnh hưởng đến vẻ đẹp làn da, khiến mẹ thiếu tự tin. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu và phòng ngừa sớm thì mẹ bầu hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng rạn da khi mang thai ngay từ những ngày đầu.

Tại sao phụ nữ bị rạn da khi mang thai?

Theo bác sĩ Lê Văn Hiền (BV quốc tế Hạnh Phúc), phụ nữ mang thai thường xuất hiện những vết rạn da trên cơ thể, đặc biệt ở vùng bụng, ngực, mông, đùi và vùng dưới cánh tay.

ran-da-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-bien-phap-phong-ngua-voh

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rạn da ở phụ nữ mang thai (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra tình trạng rạn da khi mang thai thường do:

  • Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ .
  • Cân nặng cơ thể mẹ bầu thay đổi do kích thước tử cung lớn lên khiến da bị căng một cách đột ngột và nhanh chóng, dẫn đến các mô liên kết bị rách, từ đó tạo thành những vết sẹo và vết rạn.
  • Có thể có yếu tố di truyền.
  • Thai phụ mang thai quá sớm (dưới 20 tuổi) hoặc quá muộn (trên 30 tuổi).

Những vết rạn da thường sẽ thay đổi theo thời gian, bắt đầu từ màu tím, sau đó các vết rạn sẽ chuyển sang màu gần giống với màu da. Sau khi sinh, nếu các mẹ siêng năng luyện tập hoặc có can thiệp thẩm mỹ thì những vết rạn trên da có thể sẽ hoàn toàn biến mất.

Ngoài ra, tình trạng rạn da không chỉ xuất hiện ở phụ nữ mang thai mà còn gặp ở nhiều đối tượng khác như: 

  • Trẻ trong độ tuổi dậy thì có chiều cao tăng nhanh và đột ngột.
  • Những người tăng cân nhanh, sau đó giảm cân đột ngột.
  • Người tập gym.

Cách trị rạn da khi mang thai?

Theo chia sẻ từ ThS, BS Nguyễn Duy Hải (Phòng khám thẩm mỹ Duy Hải) nguyên nhân chủ yếu gây rạn da khi mang thai là do tình trạng đứt gãy elastin và thoái hóa collagen khi thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, vì thế, nếu muốn phòng ngừa rạn da, thai phụ phải đảm bảo hệ thống elastin và collagen được khỏe mạnh.

Có thể khắc phục tình trạng rạn da khi mang thai bằng các biện pháp tự nhiên hay can thiệp thẩm mỹ.

  1. Các biện pháp can thiệp tự nhiên

  • Ăn uống điều độ.
  • Bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây.
  • Tập thể dục, thể thao. Nên ưu tiên những môn thể dục thiêng về độ dẻo dai, ví dụ như yoga... 
  • Ở những vùng dễ bị rạn da như vùng bụng, đùi, nách có thể sử dụng kem dưỡng da hoặc những chế phẩm từ thiên nhiên. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da khi mang thai mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

ran-da-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-bien-phap-phong-ngua-1-voh

Sử dụng các loại mỹ phẩm chăm sóc da khi mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ  (Nguồn: Internet)

  1. Các biện pháp can thiệp thẩm mỹ

Có rất nhiều biện pháp can thiệp để điều trị rạn da, tuy nhiên việc sử dụng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng các vết rạn trên da.

  • Nếu thai phụ điều trị rạn da khi vết rạn da có màu tím hoặc màu hồng thì có thể sử dụng những biện pháp điều trị bằng laser mạch máu để giúp màu sắc của vết rạn được nhanh chóng khôi phục như bình thường.
  • Nếu thai phụ điều trị rạn da khi vết rạn da có màu xám hoặc những vết sẹo đã bị lõm thì bác sĩ sẽ sử dụng các biện pháp giúp thu nhỏ vết sẹo và làm đầy vết lõm. Trường hợp này không thể làm mất hết vết sẹo và cũng không trị dứt được tình trạng rạn da.
  • Với những vết rạn da bị chảy xệ, da bị chùng nhão bác sĩ có thể kết hợp thêm công nghệ siêu âm hội tụ. Đây là công nghệ giúp tạo ra những “tổn thương giả” phía bên trong, sau đó sẽ tự tái tạo collagen và elastin từ bên trong để giúp da bụng được săn chắc hơn và những vết rạn da cũng được cải thiện hơn.
  • Bên cạnh đó, thai phụ cũng có thể bôi một số thuốc như retinol dẫn xuất vitamin A để giúp bong tróc những lớp sừng bên ngoài, làm trẻ hóa da ở vùng rạn.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm hay phương pháp Laser Fractional trong điều trị sẹo.

Tuy nhiên cần lưu ý, mẹ bầu nếu muốn điều trị rạn khi mang thai thì cần phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn về phương pháp cũng như thời gian thực hiện an toàn, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nên ngăn ngừa rạn da từ lúc nào?

Để phòng ngừa tình trạng rạn da, các mẹ bầu cần phải có chế độ ăn, chế độ chăm sóc toàn diện ngay từ khi chưa mang thai. Nếu có được một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý sẽ giúp cho làn da của mẹ khi mang thai vẫn giữ được độ đàn hồi.

Ngoài ra, khi mang thai mẹ bầu cần phải biết cách kiểm soát cân nặng một cách hợp lý. Ví dụ như:

  • Mẹ bầu có thể trạng gầy nên tăng khoảng 16-18 kg trong cả thai kỳ. 
  • Mẹ bầu có chỉ số BMI bình thường chỉ nên tăng từ 8-12kg trong thai kỳ. Tránh tình trạng tăng cân quá nhiều vì có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác, một trong những vấn đề đó là rạn da.
  • Mẹ bầu bị béo phì hoặc thừa cân trước khi mang thai thì chỉ nên tăng khoảng 4-6 kg cho cả thai kỳ.

Nhìn chung, tình trạng rạn da khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ bầu mà còn gây mất thẩm mỹ. Để giảm thiểu tình trạng này các mẹ hãy chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng ngừa để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio dưới đây:

Bí quyết trị rạn da sau sinh hiệu quả, giúp mẹ tự tin hơn : Sau khi sinh, rất nhiều mẹ phải đối mặt với những vết rạn da và điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của phụ nữ. Vậy có cách trị rạn da sau sinh nào an toàn và hiệu quả hay không?
Rạn da và 7 cách ngăn ngừa hiệu quả : Rạn da không có hại cho sức khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến ngoại hình của chị em phụ nữ. Do đó, phòng tránh rạn da là cách tốt nhất giúp bạn không phải đối mặt với tình trạng ...
Bình luận