Sai lầm thường gặp khiến sốt xuất huyết trở nặng

(VOH) - Khi thấy mình hết sốt tưởng hết bệnh rồi nhưng thực tế bệnh sốt xuất huyết khác các bệnh khác, nó diễn tiến nặng khi bệnh nhân bắt đầu hết sốt nên không thể chủ quan.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 281 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vong, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã có 29 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ngành y tế Thành phố cho biết, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Các chuyên gia y tế dự báo, trong tháng 11 và 12 tới nhiều khả năng sẽ là đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết ở nước ta.

VOH có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng khoa Nhiễm D – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

* VOH: Thưa bác sĩ, từ góc độ tiếp nhận bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện, bác sĩ có nhận định tình hình mùa dịch sốt xuất huyết năm nay như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong:  Năm 2019 là năm sốt xuất huyết ghi nhận đỉnh điểm thì năm 2022 , số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cũng cao hơn rất nhiều. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, số ca nhiễm cao và đỉnh dịch có khả năng bùng lên trong tháng 11. Do vậy tới đây thì tình hình sốt xuất huyết có thể sẽ phức tạp.

Sai lầm thường gặp khiến sốt xuất huyết trở nặng 1
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong đang thăn khám cho bệnh nhân

* VOH: Trong năm nay, sốt xuất huyết trên người lớn vẫn đáng ngại trong đó có nguyên nhân chủ quan, không đến bệnh viện khi xuất hiện triệu chứng sốt. Như vậy những sai lầm nào đối với sốt xuất huyết khiến bệnh trở nặng thưa bác sĩ? 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm siêu vi thường do muỗi đốt, đặc biệt  bệnh này diễn tiến rất bất ngờ, rất đột ngột mình do đó mình không chủ quan được. Khi bệnh nhân có sốt thì lập tức phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, chẩn đoán xem có phải sốt xuất huyết hay không?

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết thì tùy mức độ sốt xuất huyết đó mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể điều trị tại nhà hay tại cơ sở y tế hay tại bệnh viện theo sự phân tầng của sở y tế tầng 1, tầng 2, tầng 3 cho phù hợp. Đặc biệt mình khuyên người dân không chủ quan khi bị sốt không đi khám bệnh mà tự đi mua thuốc uống.

Khi thấy mình hết sốt tưởng hết bệnh rồi nhưng thực tế bệnh sốt xuất huyết khác các bệnh khác, nó diễn tiến nặng khi bệnh nhân bắt đầu hết sốt nên không thể chủ quan.

Nhiều người nghĩ rằng sốt xuất huyết chỉ bị mắc một lần trong đời không bị mắc lại nhưng thực tế bệnh này do muỗi đốt, khi muỗi mang mầm bệnh truyền qua mình thì mình sẽ mắc bệnh.

* VOH: Thưa bác sĩ, người lớn mắc sốt xuất huyết trở nặng thì rơi vào những bệnh cảnh như thế nào ạ?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Sốt xuất huyết trên cơ địa người lớn diễn tiến khác trẻ em vì người lớn thường có bệnh lý nền hoặc trên những cơ địa đặc biệt. Sốt xuất huyết diễn tiến nặng hầu hết trên cơ địa béo phì, phụ nữ mang thai hay những bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, hay bệnh thận mạn hay gan mạn… dễ diễn tiến nặng và tiên lượng khó biết trước được so với những bệnh nhân không có các bệnh lý này.

* VOH: Bác sĩ khuyến cáo gì  trong việc điều trị bệnh kịp thời, tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc?

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong: Với tình hình dịch bệnh còn đang diễn tiến phức tạp, mình phải vệ sinh môi trường thông thoáng, không để phát sinh muỗi và lăng quăng.

Và nếu bị muỗi đốt, thấy bị sốt thì nên đi khám ngay để loại trừ sốt xuất huyết cũng như để có kế hoạch theo dõi điều trị phù hợp tránh những trường hợp chủ quan không đi khám sớm. Nếu đang được điều trị ngoại trú nhưng lại xuất hiện những triệu chứng không khỏe, khó chịu, buồn nôn, ói, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu mũi, miệng, âm đạo hay ói, đi cầu phân đen, nặng hơn là li bì, vật vã, lú lẫn thì phải đến bệnh viện ngay.

* VOH: Cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bình luận