Sinh con đầu lòng khi càng lớn tuổi, nguy cơ ung thư vú càng tăng

VOH - Một nghiên cứu mới tại London cho thấy, tế bào vú của con người tích tụ đột biến khi phụ nữ già đi - và việc mang thai có thể ảnh hưởng tiêu cực hơn đến quá trình này.

Nghiên cứu của Imperial College London được công bố trên tạp chí Nature Communications, xem xét kỹ hơn những thay đổi về tế bào và di truyền trong mô vú khỏe mạnh bình thường để giải thích tại sao ung thư vú có thể phát triển sau khi mang thai.

Tiến sĩ Biancastella Cereser, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đi sâu vào những bí ẩn di truyền chi phối nguy cơ này.

Giống như các cơ quan khác, chúng tôi phát hiện ra rằng, vú của con người tích tụ các đột biến theo tuổi tác - nhưng việc mang thai cũng có tác động bổ sung, có nghĩa là những bà mẹ lớn tuổi lần đầu sinh con có thể có nguy cơ phát triển những thay đổi có hại trong tế bào vú của họ cao hơn những phụ nữ khác”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ sinh con đầu lòng sau 24 tuổi có nguy cơ phát triển ung thư vú tăng 5% sau mỗi 5 năm.

ung thư vú
Sinh con đầu lòng khi càng lớn tuổi, nguy cơ ung thư vú càng tăng - Ảnh: NYPost

Trong nghiên cứu này, nhóm đã đánh giá 29 phụ nữ, phân nhóm họ theo độ tuổi và tình trạng làm mẹ: lần đầu làm mẹ dưới 25 tuổi, lần đầu làm mẹ từ 35 đến 55 và phụ nữ không có con từ 25 đến 53.

Những người tham gia không mang đột biến di truyền của gen BRCA1 hoặc BRCA2 (gen có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng). Họ cũng không có tiền sử sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người lần đầu làm mẹ ở độ tuổi từ 35 đến 55 có số lượng các mảng tế bào đột biến trong mô vú của họ ngày càng lớn hơn.

Ngoài ra, ngực sẽ phát triển khoảng 15 đột biến mỗi năm trong mô biểu mô, nơi ung thư vú chủ yếu phát sinh. Hầu hết các đột biến đều không có hại và không gây ra vấn đề gì.

Cereser tin rằng, khi phụ nữ già đi, do sự gia tăng các tế bào đột biến, có thể có “cơ hội lớn hơn” cho một hoặc nhiều đột biến đó phát triển ở gen liên quan đến ung thư.

Cô lưu ý rằng, bản thân điều này có thể không đủ để gây ra ung thư, nhưng nếu kết hợp với việc mang thai, nó có thể là một “rủi ro gấp đôi”.

Tất nhiên, có những rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến chẩn đoán ung thư vú, bao gồm đột biến gen, vú dày đặc, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú và lịch sử sinh sản, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Bình luận