Số ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM ngày 10/10 giảm sâu, chỉ 1.067 ca

(VOH) - Tính từ 17h ngày 09/10 đến 17h ngày 10/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 3.513 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, hôm nay 10/10 tổng số ca COVID-19 mới được ghi nhận giảm 999 ca so với ngày trước đó.

Trong số 3.528 ca mới có 1.211 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.067), Bình Dương (782), Đồng Nai (662), An Giang (128), Bình Thuận (109), Kiên Giang (94), Long An (77), Tiền Giang (64), Tây Ninh (59), Cà Mau (48), Cần Thơ (41), Khánh Hòa (40), Đồng Tháp (39), Bạc Liêu (38), Hậu Giang (30), Trà Vinh (29), Gia Lai (25), Hà Nam (22), Hà Giang (18), Bình Phước (16), Thanh Hóa (14), Quảng Trị (14), Quảng Ngãi (12), Bến Tre (12), Ninh Thuận (12), Đắk Nông (11), Vĩnh Long (10), Bình Định (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Phú Yên (5), Vĩnh Phúc (5), Quảng Nam (3), Thừa Thiên Huế (2), Hải Dương (2), Bắc Ninh (2), Đà Nẵng (2), Lai Châu (2), Hà Nội (1), Hà Tĩnh (1), Sơn La (1), Kon Tum (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 595 ca), Sóc Trăng (giảm 192 ca), An Giang (giảm 180 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đồng Nai (tăng 87 ca), Cần Thơ (tăng 23 ca), Trà Vinh (tăng 21 ca).

Tối 10/10, Việt Nam ghi nhận 3.528 ca nhiễm mới, riêng TPHCM 1.067 ca 1
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Thủ Đức khu vực II. Ảnh minh họa. Nguồn: HCDC

TPHCM tổ chức phương án vận tải liên tỉnh, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã gửi đến Sở Giao thông vận tải các tỉnh dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP.HCM và các tỉnh. Theo dự thảo, xe khách giữa TP.HCM và các tỉnh hoạt động trở lại theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1 - 15/11, khai thác tối đa từ 3 - 5 chuyến/ngày, riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày; giai đoạn 2 từ ngày 15 - 30/11, khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại, riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày; giai đoạn 3 sau ngày 30/11 đến hết tháng 12/2021, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.

Bên cạnh phương án giải quyết nhu cầu vận chuyển, TP.HCM cũng nhìn nhận nhiều vấn đề cấp bách sau dịch COVID-19 trong đó có việc phải gấp rút xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, thuê mua, không thể để một căn nhà 20 m2 mà 5 - 6 người ở. Trong vòng 1 năm các doanh nghiệp xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân, cho chuyên gia. UBND Thành phố giao các đơn vị liên quan cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất tái định cư rộng 15 ha (tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.

Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, các biến thể mới xuất hiện, người dân tuyệt đối không được chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cần thay đổi cách sống để thích ứng với tình hình mới. Mỗi người cần thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM, thông điệp 5K, giữ khoảng cách giữa người với người và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết.

Bình luận