Số ca tử vong do bệnh dại tăng đột biến tại miền Trung

VOH - Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại; 30/63 tỉnh thành, phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8.

Trong đó, miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (chiếm 37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực miền Nam và Tây Nguyên gia tăng ca bệnh dại liên tiếp, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến, có 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 16/63 tỉnh ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước với 10 ca.

Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó tỉnh Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca.

bệnh dại
Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người - Ảnh: HL

Những thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 27/3.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra ở nước ta, trong đó bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.

Theo ông Đức, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Thống kê cũng cho thấy có tới 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.

Chỉ trong 2 tháng đầu của năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 143.000 người đi tiêm phòng bệnh dại. Trước đó, từ năm 2019-2023, trung bình ghi nhận từ hơn 387.000 - hơn 674.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại.

Xem thêm: Tiêm phòng bệnh dại và truyền nhiễm cho chó, mèo là việc rất cấp thiết để bảo vệ sức khỏe người nuôi

Bệnh dại không chỉ gây tử vong cao nhất mà còn gây thiệt hại về kinh tế khi tiêu tốn 800 tỷ/năm riêng cho vaccine, huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp, ông Đức thông tin.

Nhiều người dân còn e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có tác dụng phụ dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận. Dù cơ quan y tế đã nhiều lần khuyến cáo nhưng vẫn có hơn 16% người bị bệnh dại đã điều trị bằng thuốc nam.

Một nguyên nhân nữa là có tới 8,2% người bị chó cắn không có tiền để đi tiêm phòng, đặc biệt là hộ nghèo, người dân sinh sống vùng sâu, vùng xa.

Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người, có những địa phương ở khu vực Tây Nguyên tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chưa được 10%.

Việc quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo làm tăng nguy cơ tấn công con người... Đây là những yếu tố khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người tiếp tục diễn ra.

Bình luận