Sốt xuất huyết diễn tiến hết sức khó lường

(VOH) - Sốt xuất huyết đang vào giai đoạn căng thẳng, đã xuất hiện rất nhiều sự khác lạ so với mọi năm.

Trẻ dưới 12 tháng tuổi tăng hơn, các trẻ có thể trạng béo phì thì dễ rơi vào sốc sốt xuất huyết, mà thực tế vừa qua Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp. Hơn lúc nào hết, việc chống dịch sốt xuất huyết hiện nay cần sự tập trung cao độ và cần ý thức cảnh giác rất cao từ cộng đồng.

Tình hình số ca mắc, số ca tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố được cập nhật liên tục. Biểu đồ số ca mắc và tử vong cho thấy đều tăng rất cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố cho đến ngày 28/7 đã có 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Và mới đây thôi, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng lên tiếng cảnh báo về liên tục các trường hợp trẻ nhũ nhi mắc sốt xuất huyết nặng. Trường hợp đầu tiên là trẻ 8 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. Hai trường hợp nặng còn lại lần lượt là trẻ 9 tháng tuổi, 7 tháng tuổi. Cả 2 cũng đã được ê kíp các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ và phục hồi sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã có lưu ý, trong mùa cao điểm hiện nay, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi với các biểu hiện rất dễ lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng.

Sốt xuất huyết diễn tiến hết sức khó lường 1
Ảnh minh họa: TTO

Trong quá trình đi thực tế, đến với những hộ gia đình có trẻ mắc sốt xuất huyết thậm chí có trường hợp đã không qua khỏi, thì ngay như các bậc phụ huynh cũng không lý giải được vì sao con em mình lại mắc bệnh như thế. Nhưng khi đoàn giám sát đi kiểm tra xung quanh nơi các hộ sinh sống thì rất nhiều lăng quăng ở các vật chứa nước, các vật phế thải. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh muỗi, rồi truyền bệnh sốt xuất huyết sang trẻ hay người lớn. Một hộ gia đình có bệnh nhi 10 tuổi vừa mất vì sốt xuất huyết chia sẻ với chúng tôi: "Bé đi Nhi đồng 2, vô ở 4-5 ngày, rồi lọc máu. Cũng không có biết, chỉ nói con cảm thôi. Mua thuốc uống. Uống hết rồi cái ở trển chở xuống đây, hô con mệt quá rồi, chở luôn vô bệnh viện thì nói là sốc sốt xuất huyết."

Rõ ràng với sốt xuất huyết, sợ nhất là các trường hợp rơi vào bệnh cảnh sốc sẽ rất khó điều trị dù là trẻ em hay người lớn. Và theo TS.BS Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc người lớn – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn chưa lý giải được nguyên nhân: "Có một số bệnh nhân nặng lên như vậy người ta vẫn chưa giải thích hết được. Rồi có một số chuyện, thứ nhất là liên quan có thể là người bệnh nhiều khi tới bệnh viện nhập viện trễ. Thứ hai nữa là có thể do yếu tố độc lực của con virus. Thứ ba nữa có thể là về vấn đề cơ địa của người bệnh, vấn đề miễn dịch của bệnh nhân. Tại vì cơ chế bệnh sốt xuất huyết là cơ chế miễn dịch, bệnh lý thành ra có thể là một cái phản ứng miễn dịch của người bệnh quá mức. Hiện nay người ta vẫn chưa lý giải được hết".

Hơn lúc nào hết, việc chống dịch sốt xuất huyết hiện nay cần sự tập trung cao độ, không chủ quan lơ là. Và công tác vệ sinh môi trường tại các khu nhà trọ, cũng như các công trình xây dựng dang dở xen cài khu dân cư đang là vấn đề khá nhức nhối, phải cần được chú ý và lưu tâm hơn. Sinh viên Nguyễn Tấn Nguyên - trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang trọ tại phường 12, quận Bình Thạnh cho biết: "Hầu như ở trọ mình không có chiến dịch gì để diệt khuẩn, diệt lăng quăng... Phía sau nơi ở cống rãnh cũng nhiều mà mình cũng chưa thấy có ai hay người dân nào dọn dẹp cống rãnh xung quanh".

Đây cũng là vấn đề mà qua giám sát, Ban văn hóa - xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng đã có ý kiến. Trong thời gian tới, theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban văn hóa - xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố, việc xử phạt vi phạm các quy định phòng, chống dịch sốt xuất huyết cần được xử lý mạnh tay hơn nữa để răn đe, cảnh báo: "Thứ nhất phải tăng cường xử lý vi phạm, hiện nay tôi cho rằng quận 1, quận 5, quận 10, Cần Giờ, Nhà Bè, 5 đơn vị này phải mạnh dạn hơn nữa. Bởi vì qua số liệu của các đơn vị này thì thấy tỷ lệ sốt xuất huyết không phải là nhỏ, tỷ lệ các điểm có nguy cơ, ổ dịch nhưng mà đến giờ chưa ra một quyết định xử phạt nào".

Hiện nay riêng ngành y tế, việc chống dịch cũng gặp khó khăn do nguồn nhân sự mỏng, nhân viên y tế tuyến cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa kể đến các chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng chống dịch cũng đang gặp khó. Một mình ngành y tế giải quyết bài toán chống dịch sốt xuất huyết đang vào cao điểm hiện nay thiết nghĩ và chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng sự hiệp lực chung tay của toàn thể cộng đồng. Làm sao diệt được muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình thì trách nhiệm này chính yếu thuộc về cộng đồng, cá nhân. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu bật tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân là cốt lõi trong phòng ngừa dịch bệnh nói chung. "Chủ động thực hiện những biện pháp dự phòng đối với cá nhân mà tập trung chủ yếu chính là đảm bảo vệ sinh cá nhân như là đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, tránh lây nhiễm, đảm bảo thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng khi mà có nguy cơ tiếp xúc với những người có nguy cơ thì phải đeo khẩu trang và phối hợp với cả chính quyền địa phương cũng như cộng đồng để thực hiện các khuyến cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế", bà Hương khuyến cáo.

Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay, để phòng chống dịch hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Trong thời gian tới, ngành y tế Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng. Tuy nhiên, để dịch bệnh được đẩy lùi một cách hiệu quả, rất cần sự đồng lòng, chung tay của người dân cùng với ngành y tế.

 

Bình luận