Thành Tựu Y Khoa 2020: Ca mổ tách song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi

(VOH) - 12 tiếng căng thẳng tột cùng của gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại TPHCM đã mang đến một bước ngoặt cho cuộc đời của hai bé.

Quay ngược thời gian, trở về thời điểm hơn 1 năm về trước, một phụ nữ trẻ 25 tuổi mang thai lần đầu được chẩn đoán song thai dính vùng bụng chậu. Qua thăm khám ban đầu các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp.

Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus. Các y bác sĩ đã tư vấn tận tình về những kịch bản có thể xảy ra cho cả mẹ lẫn con nếu tiếp tục thực hiện thai kì hoặc chấm dứt. Sự thật ấy khiến đôi vợ chồng trẻ đã phải nặng lòng suy nghĩ nhưng rồi họ đã dũng cảm quyết định giữ lại bào thai, để các con của mình có cơ hội được sống.

Thành Tựu Y Khoa: Ca mổ tách song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi

Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng TP 

Kể từ giây phút ấy, từng cử động của hai sinh linh nhỏ bé dính liền nhau vùng bụng chậu đã nằm trong sự dõi theo của các y bác sĩ. Hành trình cuộc sống của 2 đứa trẻ dính nhau vùng bụng chậu với tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn, hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi đã khởi đầu an toàn trong sự hỗ trợ của các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương.

Để rồi suốt hơn 1 năm qua, hai bé gái từng ngày lớn lên trong vòng tay mẹ cha và các y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chuẩn bị đương đầu với hành trình tái sinh trong hình hài mới -  Hành trình tách rời.

Đến khi hai bé được 13 tháng tuổi và cân nặng đạt 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường, các bác sỹ quyết định tiến hành phẫu thuật tách rời cho hai em. 12 tiếng căng thẳng tột cùng của gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện hàng đầu tại TPHCM gồm: Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Trường đại học Y dược TPHCM đã cùng phối hợp thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt này. Mỗi khoảnh khắc các bé trải qua trong phòng mổ như một chuỗi dài bất tận của mẹ cha đang bị hàng trăm ngàn mũi kim châm vào da thịt buốt đau. Giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khóe mắt người mẹ hòa trong nụ cười xúc động của người người cha khi ca mổ thành công, các bác sĩ đã tái sinh Song nhi lần nữa trong hình hài mới.

Từng ngày trôi qua, các con đã dần hồi phục một cách đáng kinh ngạc với sự chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Dỗ cho con ngủ, chăm cho con ăn, làm trò cho con hưởng ứng, cùng con tập ngồi, tập đứng… là công việc quen thuộc mà các cán bộ y tế ở đây đã làm trong gần 90 ngày chờ Song Nhi khỏe mạnh hoàn toàn

Nghĩ về hành trình mà gia đình cùng các con đã trải qua, mẹ của Song Nhi chia sẻ:” Cho đến giây phút cầm trên tay tờ giấy ra viện, gia đình thật sự biết ơn đội ngũ y bác sỹ đã sinh ra con lần nữa, rời gia đình lớn nơi ấp ủ con từ lúc mới sinh và trở về với gia đình nhỏ thật sự của mình, cha mẹ và các con thật sự rất lưu luyến”

Trong ngày xuất viện, Tiến sĩ Bác sĩ Trương Quang Định xúc động, phấn khởi phát biểu: “Mong muốn của các y bác sĩ và cả gia đình là trong chặng tiếp theo, các bé sẽ trưởng thành một cách bình thường, khoẻ mạnh, vui tươi.”

Thành Tựu Y Khoa: Ca mổ tách song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi
Ảnh: Fanpage Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. 

Cuộc sống luôn ẩn chứa phép màu, có lẽ gia đình Song Nhi luôn tin vào điều đó nên mới can trường đến vậy trong cuộc chiến kiếm tìm sự sống và hình hài khỏe mạnh cho Song Nhi. Trong khi đó, người thầy thuốc với trái tim từ mẫu lại tin tưởng vào sự nhiệm màu của khoa học. Niềm tin đó không phải vô cớ, bởi nếu nhìn lại lịch sử y học, cách đây 32 năm, các bác sĩ Việt Nam đã từng lập nên kì tích khi tách rời cặp song sinh Việt Đức trong hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn hơn rất nhiều.

Tại thời điểm đó, ca mổ Việt Đức đã đi vào lịch sử y khoa thế giới khi là lần đầu tiên có ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính phần bụng chậu mà một trong hai bé bị bại não. Người góp mặt trong ca phẫu thuật lịch sử đó, không ai khác chính là GS – TS – Bác sĩ Trần Đông A. Sau 32 năm, ông lại góp mặt trong ca mổ tách dính Song Nhi với vai trò cố vấn cho ê kíp mổ mà người đứng đầu chính là học trò do ông đào tạo – TS Bác sĩ Trương Quang Định – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Sự trao truyền và tiếp nối thật ý nghĩa biết bao, xứng đáng là niềm tự hào của nền y học nước nhà.

Chúc các con thật khỏe mạnh, vui tươi đón lấy tuổi thơ như bao đứa trẻ khác và sẽ dũng cảm tiếp tục vượt qua những cuộc phẫu thuật sắp tới để tìm lại cơ thể vẹn toàn một cách ngoạn mục như các con đã từng làm được. Không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, dư luận cho rằng sự ca phẫu thuật tách rời Song Nhi là một dấu ấn nổi bật của y học Việt Nam. Vâng, đó chính là dấu ấn diệu kì của khoa học và tình yêu. 

Bình luận