Thành tựu y khoa Việt Nam 2021: Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng - Nâng bước bệnh nhân

(VOH) - Nhìn lại 1 năm quá đỗi bi thương đã trôi qua, không ít người mới tạm thở phào nhẹ nhõm. Đó là những ngày tháng khó khăn đỉnh điểm bởi dịch bệnh chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Nghe nội dung: Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng - Nâng bước bệnh nhân vượt qua hiểm nghèo

Có những ngày cao điểm trong tháng 8/2021, số ca mắc Covid 19 mới lên đến hơn 17.400, cùng lúc đó thành phố phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, trong đó có gần 40.000 F0 nặng. Số ca tử vong lên đến hàng trăm khiến chúng ta không khỏi đau đớn xót xa.

Cả hệ thống chính trị, xã hội, mọi người dân cùng gồng mình lao vào cuộc chiến chống dịch. Trong đó, nỗi lo lắng nhất chính là số người vĩnh viễn ra đi vì dịch bệnh quá lớn.

Trước tình tế đó, Khoa Y - Đại học Y Dược TPHCM đã đề xuất mô hình “Chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng” tại 3 quận 8, 10 và Bình Tân với sự tham gia của đội ngũ giảng viên và hàng ngàn sinh viên của Đại học Y dược TPHCM.

Chia sẻ về tính hiệu quả của mô hình này PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y - Đại học Y Dược TPHCM nói: “Mô hình được chia làm 2 đội: Đội 1 giám sát từ xa, liên lạc F0; Đội 2 là cấp cứu ngoại viện, thực hiện tại hiện trường”.

Tại Quận 10, có 6.057 F0 đã được quản lý bởi Đội 1, trong số đó, có 219 F0 được cấp cứu bởi Đội 2, tỷ lệ tử vong của các F0 được quản lý trong mô hình giảm xuống chỉ còn 0,43%.

Tại Quận 8, có 8.188 FO được quản lý, cấp cứu 250 trường hợp, tỷ lệ tử vong 0,57%. Tại Quận Bình Tân, có 29.934 F0 được quản lý tại nhà và hỗ trợ bệnh viện quận theo dõi điều trị hơn 100 trường hợp đã qua xử trí cấp cứu tại Bệnh viện quận Bình Tân.

Nói về tính hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND Quận 8 bày tỏ: “May mắn là quận 8 được làm việc với Đại học Y dược trong mô hình này, trong quá trình điều trị nếu người bệnh cần đưa lên tuyến trên điều trị thì quận 8 có Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận 8, khi F1 kiểm tra sức khỏe không đảm bảo cần đưa vào cơ sở điều trị thì chỉ cần trạm y tế lưu động thăm khám sức khỏe , sau đó điện về Bệnh viện Dã chiến số 1 – là đội 2 sẽ nhận bệnh ngay”.

Với góc nhìn quản lý, việc xây dựng mô hình không tốn nhiều kinh phí nhưng đòi hỏi việc xây dựng nguồn lực. Bởi các y bác sĩ sinh viên và tình nguyện viên không chỉ khám tư vấn và hỗ trợ mua thuốc cho người dân mà họ còn đồng hành và chia sẻ sự lo lắng, sợ hãi cũng như nỗi đau mất mát người thân.

Sự thấu cảm và tình người đã được các thành viên trong mô hình thực hiện, giúp người bệnh vượt qua những ám ảnh tâm lý khủng khiếp do dịch bệnh gây ra. Đó là những trải nghiệm đắt giá mà không bài học nào trên giảng đường có thể mang lại.

Nhìn lại chặng đường mà tập thể thầy và trò Đại học Y dược đã đi qua, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan – Trưởng khoa Y - Đại học Y Dược TPHCM nói: “Thế mạnh tại khoa Y là chúng tôi có đội ngũ giảng viên chuyên gia đầu ngành và lực lượng sinh viên, học viên sau đại học vài nghìn người có tinh thần dấn thân, tấm lòng bác ái tham gia cùng TPHCM, giúp đỡ hỗ trợ người bệnh được chăm sóc tại gia đình”.

Lịch sử sẽ phải ghi nhớ một giai đoạn TPHCM của chúng ta kiên cường trước cơn đại dịch Covid-19. Trong trận chiến ấy, đã có quá nhiều mất mát đau thương. Và người chiến sĩ đi đầu chính là những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế… không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà họ còn dâng hiến thời gian, sức lực và nhiệt huyết của mình vì nhân dân, xứng đáng với lời thề Hippocrates thiêng liêng!

Bình luận