Quy trình thắt ống dẫn tinh diễn ra như thế nào? Có đau không?

(VOH) – Thắt ống dẫn tinh được biết đến là một giải pháp dành cho nam giới khi muốn chia sẻ 'gánh nặng' tránh thai cho phụ nữ mà không bị giảm cảm giác khi có 'quan hệ vợ chồng'.

Bình thường, để tránh mang thai ngoài ý muốn, các cặp vợ chồng thường tính toán ngày rụng trứng, sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai...để có quan hệ an toàn. Tuy nhiên, các phương pháp đó đều có những khuyết điểm như: không được thỏa mãn, gây rối loạn nội tiết tố, có thể gây tác dụng phụ cho cơ thể và đặc biệt là không chắc chắn 100% khả năng ngừa thai.

Bên cạnh việc đặt vòng tránh thai cho nữ giới thì nam giới cũng có thể đình sản bằng phương pháp thắt ống dẫn tinh, nhằm giảm áp lực về vấn đề sinh đẻ đối với người phụ nữ.

1. Thắt ống dẫn tinh là gì?

Thắt ống dẫn tinh hay còn gọi là triệt sản nam, đây là một dạng tiểu phẫu đơn giản nhằm cắt bỏ một phần ống dẫn tinh và bít 2 đầu ống dẫn lại bằng phương pháp đốt điện hoặc laser. Mục đích của phương pháp này là ngăn chặn tình trạng tinh trùng rời khỏi tinh hoàn ra túi tinh và loại trừ khả năng mang thai ở người phụ nữ.

quy-trinh-that-ong-dan-tinh-dien-ra-nhu-the-nao-co-dau-khong-voh

Thắt ống dẫn tinh là phương pháp giúp nam giới chia sẻ nhiệm vụ tránh thai cho phụ nữ (Nguồn: Internet)

Thủ thuật không hề để lại bất cứ di chứng nào, cũng như không ảnh hưởng tới khả năng "chăn gối" của nam giới (nam giới vẫn có thể giao hợp bình thường và xuất tinh, nhưng sẽ không có tinh trùng bên trong).

1.1 Những đối tượng nên thắt ống dẫn tinh trùng

Các bác sĩ cho biết, thắt ống dẫn tinh được coi là một phương pháp giúp san sẻ “gánh nặng” tránh thai với bạn đời vì có khả năng tránh thai gần như là 100%. Vì thế, nam giới có thể cân nhắc sử dụng phương pháp này nếu:

  • Hai vợ chồng không có ý định sinh con nữa.
  • Hai vợ chồng không có sự tương thích về di truyền, không thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh bình thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý có một số trường hợp không được thắt ống dẫn tinh, đó là:

  • Người bị rối loạn đông máu.
  • Rối loạn chức năng tình dục.
  • Có bất thường ở bìu như thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch, ứ nước màng tinh hoàn, viêm nhiễm mãn tính và các di tích ở thừng tinh.

2. Quy trình thắt ống dẫn tinh diễn ra như thế nào?

2.1 Trước khi tiến hành thủ thuật

Đầu tiên, bác sĩ sẽ giải thích rõ về quy trình thực hiện thuật để nam giới được rõ. Sau đó, tiến hành khám tiền phẫu vùng sẽ tiến hành thủ thuật.

Bệnh nhân được gây tê và dùng an thần nhẹ để giúp giảm bớt căng thẳng.

2.2 Tiến hành thủ thuật

quy-trinh-that-ong-dan-tinh-dien-ra-nhu-the-nao-co-dau-khong-1-voh

Thủ thuật thắt ống dẫn tinh đơn giản, không làm ảnh hưởng đến chuyện "chăn gối" vợ chồng (Nguồn: Internet)

Bác sĩ bắt đầu rạch một vết nhỏ tại vùng bìu, sau đó thực hiện thắt ống dẫn tinh nam. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ khâu vết cắt và băng tại vùng bìu.

Sau thủ thuật, người bệnh được nghỉ ngơi khoảng 30 phút sau đó về nhà nghỉ ngơi.

2.3 Sau khi tiến hành thủ thuật

Thắt ống dẫn tinh trùng là một thủ thuật khá đơn giản, không gây quá nhiều đau đớn cho nam giới. Tuy nhiên, sau khi hết thuốc tê một số trường hợp có thể thấy hơi khó chịu, đau vùng bìu và khó khăn khi đi tiểu.

Bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh theo liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, nếu đau nhiều nam giới có thể trao đổi với bác sĩ để được kê thêm thuốc giảm đau.

Cần lưu ý, sau thủ thuật nếu xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, sưng tấy không giảm thì cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.

3. Ưu – nhược điểm của phương pháp thắt ống dẫn tinh

Nam giới thực hiện thắt ống dẫn tinh có thể gặp phải một số ưu điểm và nhược điểm riêng so với các phương pháp tránh thai khác.

  • Ưu điểm: Thắt ống dẫn tinh có hiệu quả tránh thai lên đến 99.5%. Quy trình thực hiện đơn giản, an toàn, không ảnh hưởng đến mức độ testosterone, sự cương cứng, khoái cảm hoặc bất kỳ vấn đề nào khác trong đời sống “chăn gối”.
  • Nhược điểm: Nhược điểm chính của phương pháp này là nó không chống lại nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Ngoài ra, khi thắt ống dẫn tinh, nam giới có thể gặp phải một số triệu chứng như sưng tấy, bầm tím, chảy máu bên trong bìu, tinh dịch, viêm và nhiễm trùng...

3.1 Thắt ống dẫn tinh bao thì có thể “quan hệ vợ chồng”?

Sau khi thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn tinh khoảng 1 tuần, nam giới có thể bắt đầu sinh hoạt vợ chồng lại như bình thường. Tuy nhiên, thời gian đầu thắt ống dẫn tinh chưa có hiệu quả ngừa thai nên nam giới cần sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp ngừa thai khác để đảm bảo không mang thai ngoài ý muốn.

4. Cách tự chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

Sau khi thực hiện thắt ống dẫn tinh, nam giới cần tuân thủ một số lưu ý sau đây để vết thương có thể mau lành:

  • Mặc đồ lót vừa vặn: Đồ lót mặc vừa khít cơ thể có thể bảo vệ khu vực vùng kín, tránh chấn thương hoặc làm hở vết thương.
  • Chườm lạnh vết thương: Nhẹ nhàng chườm một túi nước đá hoặc gạc lạnh vào vùng tiểu phẫu trong khoảng 15 – 20 phút nhiều lần trong ngày sẽ có tác dụng giảm đau và sưng.
  • Tránh tắm ngay sau phẫu thuật: Nên đợi khoảng 1 ngày, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
  • Tránh hoạt động nặng: Thời gian đầu, nam giới cần tránh nhấc bất cứ vật nặng, tập thể hoặc “quan hệ vợ chồng” nhằm tránh tình trạng bị hở vết mổ.
  • Theo dõi tình hình hồi phục vết thương: Nếu nhận thấy tại vị trí tiểu phẫu có nhiều mủ, sưng đỏ, chảy máu hoặc sưng nặng hơn hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

Nhìn chung, thắt ống dẫn tinh là biện pháp ngừa thai thực hiện đơn giản, không gây quá đau đớn, không ảnh hưởng tới việc sinh hoạt vợ chồng. Tuy nhiên, thắt ống dẫn tinh cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các yếu tố tiêu chuẩn của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho phái mạnh

Nếu thực hiện thắt ống dẫn tinh tại các cơ sở chui, kém chất lượng, nam giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng hoặc nhẹ nhất là không đạt hiệu quả tránh thai như mong muốn, có nghĩa là sau khi thắt ống dẫn tinh xong vẫn có con bình thường.

Bình luận