Thời tiết nắng nóng gây ra các bệnh nào và cách xử trí ra sao?

(VOH) – Thời tiết nắng nóng kéo dài, dễ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe sau:

Sốc nhiệt (Đột quỵ do nhiệt)

Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, có kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê…).

BS. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết khi thấy triệu chứng của bệnh này thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể như đã hướng dẫn ở trên; đồng thời gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

Thời tiết nắng nóng gây ra các bệnh nào và cách xử trí ra sao?

Hình minh họa: internet

Chuột rút do nhiệt

Người làm việc nặng nhọc hay các vận động viên chuyên nghiệp thường dễ gặp phải tình trạng này. Trong khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt.

Biểu hiện: đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân. Các triệu chứng đau xuất hiện là do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ. Nếu gặp các triệu chứng trên, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng.

Lưu ý không sử dụng nước lọc vì không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. Nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường… Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giới hạn và sẽ biến mất.

Ngất xỉu do nhiệt

Thường gặp ở những người đi du lịch trong mùa hè, phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự… từ đó gây ra tình trạng mất muối và nước. Đến một giai đoạn nào đó việc mất muối và nước quá nhiều nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây triệu chứng ngất xỉu.

Vai trò sơ cứu trong trường hợp này rất quan trọng. Chúng ta cho người bị ngất xỉu nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng có không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng, theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện.

Bệnh về hô hấp

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em.

Ngoài ra, với nhân viên văn phòng, do ngồi lâu trong môi trường điều hòa, khi ra ngoài nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang. Đặc biệt, để giảm bớt cái nóng, mọi người thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến bệnh về đường hô hấp.

Khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể với sự thay đổi nhiệt độ ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm thường kém hơn nên cần phải phòng chống tác hại nắng nóng tốt hơn

Cách hạn chế tác hại nắng nóng

Bộ y tế từng khuyến cáo:

Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

 Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm thường gặp và cách phòng tránh: (VOH) - Hiểu biết đầy đủ về các bệnh truyền nhiễm là cơ hội để bạn phòng ngừa đúng cách, tránh bị lây bệnh cho chính mình và người thân. Dưới đây là những bệnh truyền nhiễm dễ gặp nhất hiện nay.

‘Điểm mặt’ các nguồn lây bệnh từ môi trường sống, ai cũng nên biết: (VOH) - Môi trường sống và sinh hoạt không đảm bảo khoa học và vệ sinh là điều kiện để vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng,…sinh sôi và gián tiếp gây bệnh. Vậy bạn có thể mắc bệnh từ các nguồn nào?

Bình luận