Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có vaccine COVID-19 trong tháng 2/2021

(VOH) - Đồng thời, Thủ tướng đề nghị ngành y tế, các địa phương và các bệnh viện xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam một cách nghiêm túc.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn

Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, các nhà máy, xí nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất và các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương và ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số vấn đề tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các địa phương vào chiều 15/2. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị tất cả các địa phương trên cả nước phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần là đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Cần nhất quán thực hiện một chiến dịch chống dịch hiệu quả, cả về y tế và kinh tế xã hội. Trong đó, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở một số thành phố lớn, một số tỉnh tập trung nhiều công nhân như TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương…Đồng thời, Thủ tướng đề nghị ngành y tế, các địa phương và các bệnh viện xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly, khu vực bị phong tỏa, không để lây nhiễm chéo trong khu vực bị cách ly, bị phong tỏa. Các địa phương đang có dịch tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dứt điểm dịch bệnh. Thủ tướng nhất trí việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn dịch này một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực cho rằng có khả năng lây nhiễm cao.

Khoảng 5 triệu liều Vaccine COVID-19 để tiêm mũi thứ nhất

Về vấn đề vaccine COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước. "Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ."

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Cường, Bộ Y tế cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX. Cuối tháng này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn là nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất. Như vậy, đợt đầu có thể tiêm cho 5 triệu người. Việt Nam là một trong những nước ở châu Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt. "Theo phương án của Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chúng ta có 2 phương án: phương án thứ nhất là chúng ta tiêm cho các đối tượng ưu tiên bảo đảm hơn 2 triệu người; phương án thứ 2 là bảo đảm cho hơn 5,7 triệu người. Thì như vậy chúng ta có thể phương án lớn hơn cho các đối tượng ở tuyến đầu là bác sĩ,Quân đội, Công an, Hải quan và trong 3 tháng tiếp chúng ta sang đợt mũi thứ 2", ông Cường cho biết thêm.

Việt Nam sớm có vắc xin phòng chống dịch bệnh COVID-19 1
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu TPHCM

TPHCM đã kiểm soát được ổ dịch

Báo cáo về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào chiều ngày 15/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Từ ngày 5 đến ngày 10/2, TPHCM phát hiện 35 trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Qua đánh giá sơ bộ 35 trường hợp này hầu hết đều không có triệu chứng, diễn biến nặng, nhiều trường hợp có kết quả âm tính nhanh sau thời gian điều trị, có khả năng các ca này cùng 1 nguồn lây. TPHCM đã triển khai một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường truy vết ổ dịch, mở rộng tầm soát trong cộng đồng, ở nơi có tần suất cao thì đã khoanh vùng. TPHCM đã ứng dụng kiểm soát dịch bệnh tại các bến xe, chợ đầu mối, khu nhà trọ, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đợt đáp ứng khẩn cấp nhằm kiểm soát chùm ca bệnh liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố đã thực hiện tổng cộng 39.122 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Đến nay, ổ dịch tại Thành phố đã được kiểm soát.

Về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thông tin: "Nhằm kiểm soát chặt chẽ hạn chế nguồn bạn xâm nhập thành phố sao đợt tết nghỉ tết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra khai báo y tế của hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách tùy theo địa phương nơi xuất phát, đơn vị y tế giám sát khai báo y tế phù hợp. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh trái phép. Đồng thời thành phố sẽ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo chu đáo cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá tình hình 24 giờ để nới lỏng hoặc siết chặt các giải pháp đã triển khai, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh".

Theo báo cáo của Bộ y tế, trong vòng 6 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ ngày 10/2/2021 đến nay) đã ghi nhận tổng cộng 158 trường hợp mắc trong nước tại 7 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Bắc Giang đã 05 ngày chưa có ca mắc mới, Quảng Ninh và Gia Lai cũng đã 04 ngày chưa có ca mắc mới. Nhìn chung tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt; tính từ thời điểm ghi nhận 29 ca mắc (ngày 8/2), cao nhất trong ngày tại TP. Hồ Chí Minh, 7 ngày vừa qua thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 1 đến 2 ca trong ngày, riêng 2 ngày gần đây không có ca mắc mới.

Bình luận