Tình hình dịch bệnh Covid-19 mới nhất hôm nay 14/6/2022: Tăng 240 ca nhiễm

(VOH) - Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, các trường hợp tử vong do Covid-19 chiếm khoảng 80% không tiêm vắc xin hoặc không tiêm đủ mũi, phần lớn các ca tử vong ở lứa tuổi cao, có bệnh nền.

Đến ngày 11/6, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều vắc xin Covid-19 với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và 6,1%; tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 39,6%, mũi 2 đạt 5,5%.

Từ ngày 15/3 đến 10/6, cả nước ghi nhận 4.352.243 ca mắc, 1.604 ca tử vong (tỉ lệ tử vong/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước đó với tỉ lệ tử vong/mắc là 0,25%). Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 1.000 ca (thấp nhất hơn 10 tháng qua).

Tử vong do Covid-19 phần lớn do không tiêm vắc xin hoặc không tiêm đủ mũi 1

Theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. (Ảnh: HCDC)

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù đất nước ta đã ở trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là mà cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi tiếp theo. Việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc, tuy nhiên ngành y tế khuyến khích việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đối với tất cả người dân. 

Hiện nay, số vắc xin Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 02 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6/2022.

Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, đến nay lệ tiêm mũi nhắc 1 (mũi 3) ở người lớn chưa đạt mong muốn, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại 2 (mũi 4) cho một số đối tượng theo hướng dẫn còn rất chậm mới được hơn 1,1 triệu liều do người dân hiểu lầm mũi bổ sung là mũi nhắc lại, cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ; ngoài ra do tâm lý người dân đã mắc Covid-19 nên nghĩ đã đủ miễn dịch, dịch Covid-19 không còn gây nguy hiểm. Một số người sợ phản ứng, tác dụng phụ sau tiêm...

Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vắc xin hay do đã mắc Covid-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của Covid-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 14/6 cho biết có 856 ca Covid-19 mới, tăng thêm 240 ca so với hôm qua.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.733.285 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.372 ca nhiễm).

Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 6.365 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.568.888 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 43 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 36 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Bình luận