Tình trạng nóng lên toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm bệnh suy tim

(VOH) - Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ sức khỏe đối với những người mắc bệnh tim.

Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng cực đoan xuất hiện ngày càng thường xuyên và kéo dài hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người, đặc biệt là gây nguy hiểm đối với những người bị suy tim.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí ESC Heart Failure - một tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu cho biết, các đợt nắng nóng ngày càng phổ biến do sự nóng lên toàn cầu có thể dẫn đến tỷ lệ "tử vong trong dân số nói chung cao hơn, đặc biệt là tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch".

Xem thêm: Làm thế nào để tránh tình trạng suy tim diễn tiến nặng phải nhập viện?

suy tim
Thời tiết nóng bức có thể làm tăng nguy cơ sức khỏe đối với những người mắc bệnh tim (Ảnh: STOCKSY/Health)

Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định mối quan hệ giữa nhiệt độ cao hơn do sóng nhiệt và sự thay đổi trọng lượng cơ thể, điều này có thể nguy hiểm đối với những người bị suy tim và làm tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn.

Nghiên cứu diễn ra ở Pháp từ tháng 6 đến tháng 9/2019 - một năm được đánh dấu bởi những đợt nắng nóng khắc nghiệt trên khắp châu Âu. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống giám sát từ xa để theo dõi mức độ ảnh hưởng của nhiệt đến cân nặng của những người có tiền sử suy tim.

Ở bệnh nhân suy tim, nghiên cứu giải thích, cân nặng là nền tảng để theo dõi sức khỏe. Các tác giả của nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng trọng lượng cơ thể của bệnh nhân suy tim có thể thay đổi trong đợt nắng nóng.

Nghiên cứu trên 1.420 người có tiền sử suy tim - 70% trong số đó là nam giới. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 73 tuổi. Ngoài việc theo dõi cân nặng bằng cách sử dụng hệ thống giám sát từ xa, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu báo cáo các triệu chứng khác mà họ gặp phải như mệt mỏi, sưng tấy hoặc khó thở.

Cuối cùng, việc thu thập dữ liệu cho thấy, khi nhiệt độ ngoài trời ở Pháp tăng lên, cân nặng của bệnh nhân giảm đáng kể và tình trạng bệnh của họ trở nên tồi tệ hơn. Một số bệnh nhân nặng 78 kg đã giảm được 1,5 kg trong một thời gian ngắn, nghiên cứu cho biết.

“Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ môi trường và trọng lượng cơ thể ở bệnh nhân suy tim” - tác giả nghiên cứu François Roubille, giáo sư của Bệnh viện Đại học Montpellier, Pháp cho biết.

Theo giáo sư Roubille: “Sự giảm cân mà chúng tôi quan sát được trong đợt nắng nóng có liên quan về mặt lâm sàng”.

Trong khi điều kiện nắng nóng khắc nghiệt khiến mọi người mất nước nhiều hơn bình thường - chủ yếu là do tăng tiết mồ hôi – thì ở những người bị suy tim, điều này đặc biệt có vấn đề.

Bệnh nhân suy tim thường dùng thuốc lợi tiểu để giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể bằng cách đi tiểu nhiều hơn thường ngày. Tuy nhiên, trong đợt nắng nóng, thuốc lợi tiểu có thể khiến họ bị mất nước quá mức.

Xem thêm: Bệnh nhân suy tim ngỡ chết hồi phục thần kì nhờ ghép tim

Những người bị bệnh suy tim nên làm gì khi thời tiết nắng nóng?

Giáo sư Roubille Roubille giải thích rằng, khi những người khỏe mạnh uống nhiều nước hơn trong thời tiết nóng bức, cơ thể có thể tự động điều chỉnh lượng nước tiểu. Tuy nhiên, điều này không xảy ra đối với những bệnh nhân bị suy tim vì họ dùng thuốc lợi tiểu.

Do đó, ông Roubille gợi ý rằng, trường hợp nhiệt độ môi trường tăng cao, các bác sĩ và bệnh nhân suy tim nên giảm liều thuốc lợi tiểu.

Ngoài ra, các hệ thống theo dõi từ xa cũng có thể hữu ích trong việc theo dõi bệnh nhân và chỉ ra khi nào cần thay đổi liều lượng thuốc lợi tiểu của một người dựa trên việc theo dõi cân nặng thường xuyên.

Ngoài ra, những người bị suy tim cũng nên tìm tới những nơi mát mẻ trong đợt nắng nóng, chẳng hạn như ở trong phòng có điều hoà nhiệt độ hoặc đến những nơi có điều hòa nhiệt độ siêu thị, trung tâm thương mại, viện bảo tàng…

Bình luận