Tối 11/4 chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới, vaccine thứ 2 của Việt Nam chuẩn bị ra thị trường

(VOH) – Ca mắc mới chiều tối 11/4 ghi nhận tại Kiên Giang, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Theo Bản tin của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19, tính tới 18h ngày 11/4, Việt Nam có tổng cộng 910 ca mắc mới tính từ 27/1 đến nay. Ca COVID-19 mới nhất ghi nhận vào chiều tối 11/4 là ca nhập cảnh tại Kiên Giang.

Thông tin về ca bệnh 2693 (BN2693): là bệnh nhân nam, 27 tuổi, địa chỉ tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

Ngày 08/4/2021, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang.

Kết quả xét nghiệm ngày 10/4/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế Thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

COVID-19: Tối 11/4 chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới, vaccine thứ 2 của Việt Nam chuẩn bị ra thị trường 1
 

Tổng số ca COVID-19 tại Việt Nam do lây nhiễm trong nước tính đến 18h ngày 11/4 đang là 1570.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 37.938.

Số ca điều trị khỏi là 2.429 ca.

Ngày 11/4, ông Dương Hữu Thái, viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC), cho biết sau khi nghiên cứu và cho ra kết quả tốt, vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam là COVIVAC đã được đưa vào thử nghiệm và sẽ sớm được sản xuất ra thị trường khi được Bộ Y tế cấp phép, phê duyệt theo quy trình hoặc cấp phép trong trường hợp khẩn cấp.

COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với một số trường đại học và tổ chức quốc tế cùng các đối tác trong nước và nước ngoài. Ðến nay, IVAC hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất vaccine.

Vaccine COVIVAC có điểm tương đồng với vaccine AstraZeneca được nhập khẩu và ưu tiên tiêm tại một số địa phương cả nước hiện nay là đều sử dụng công nghệ véc tơ, tuy nhiên, giá thể sử dụng của hai nhà sản xuất khác nhau.

vaccine-covid-19-voh.com.vn
Ảnh minh họa

Cũng theo ông Thái, tại Trường đại học Y Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine cho người tình nguyện tham gia. 120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau, mỗi đợt tiêm 12 - 15 người/ngày, cách nhau 8 ngày cho đến 20/4/2021.

"Đến nay đã tiêm được 66 tình nguyện viên, dự kiến 1 đến 2 tuần nữa sẽ hoàn thành bước đầu công tác tiêm thử nghiệm. Sức khỏe các đối tượng sau khi tiêm vaccine đều ổn định, một số người gặp phản ứng phụ ở mức độ nhẹ như đau vết tiêm, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... Các phản ứng phụ này đa số chỉ kéo dài trong khoảng một ngày", ông Thái cho hay.

Dự kiến sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn này vào tháng 7/2021, nếu vaccine cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2, với cỡ mẫu lớn hơn tại tỉnh Thái Bình với 300 đối tượng.

Bình luận