TPHCM: 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19 là ai?

(VOH) - TPHCM được cấp 8.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Đến hết ngày 8/4, Thành phố đã tiêm hết 5.601 liều.

Từ ngày 6-12/4, các Trung tâm Y tế quận huyện sẽ tập trung triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng tổng cộng 6.400 liều. 1.600 liều còn lại sẽ triển khai trong tuần tiếp theo.

TPHCM: 10 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin COVID-19 là ai? 1
Tiêm vắc-xin COVID-19 của HCDC trong buổi sáng ngày 7/4/2021

Thực hiện Kế hoạch số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc “phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022”, từ ngày 8/3/2021 Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 cho nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ngành y tế đã tổ chức tập huấn đầy đủ cho các cơ sở tiêm chủng đồng thời theo dõi giám sát chặt quá trình tổ chức tiêm của các đơn vị, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Tính đến ngày 8/4/2021, đã có 5.601 nhân viên y tế thuộc 47 đơn vị y tế được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi và hiện tất cả đều ổn định.

Hiện tại ngành y tế đang phối hợp cơ quan đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố thực hiện thống kê, lập danh sách thuộc 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm miễn phí vắc xin phòng COVID-19 theo Công văn số 2447/BYT-DP ngày 05/4/2021 của Bộ Y tế, để có cơ sở xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai cho các đợt tiếp theo.

Hiện tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 phát hiện tại TP.HCM là 223, trong đó 213 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 10 đang điều trị.

Tổng số người đang được cách ly là 2.422 người trong đó: 2.406 người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung,16 người được cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Hiện trên địa bàn TPHCM tổng số người đang được cách ly là 2.352 người trong đó: 2.341 người được cách ly tại các điểm cách ly tập trung, 11 người được cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo:

1. Lợi ích của vắc xin luôn lớn hơn nguy cơ.

2. Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng

3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.

Trong 2 ngày 7 và 9/4/2021 có 190 nhân viên của trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) được tiêm vắc xin.

Công tác tổ chức tiêm chủng được thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc. Trước khi tiến hành tiêm, những nhân viên tham gia đều được khám sàng lọc, đo huyết áp kỹ lưỡng và sau tiêm được nghỉ ngơi, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 30 phút. Những người đã tiêm vắc xin sẽ được cấp “Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19”. Trên giấy xác nhận có mã QR-code, các nhân viên y tế được tiêm vắc xin sẽ khai báo hàng ngày để tiếp tục theo dõi phản ứng sau tiêm ít nhất 07 ngày.

Được biết, TP.HCM được cấp 8.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Từ ngày 6-12/4, các Trung tâm Y tế quận huyện sẽ tập trung triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng tổng cộng 6.400 liều. 1.600 liều còn lại sẽ triển khai trong tuần tiếp theo.

10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí gồm:

1. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế.

- Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

- Lực lượng Quân đội (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).

- Lực lượng Công an (lực lượng địa phương tham gia phòng chống dịch).

2. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và người thân được cử đi công tác nhiệm kỳ; cán bộ trực tiếp tham gia đón các đoàn khách của Chính phủ và đón người Việt Nam từ nước ngoài về; Đoàn Ngoại giao và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

3. Nhân viên hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...

5. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

6. Người mắc các bệnh mạn tính.

7. Người trên 65 tuổi.

8. Người sinh sống tại các vùng có dịch.

9. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

10. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

Bình luận