TPHCM: Bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép, làm sao để phòng tránh?

(VOH) - Kết quả quan trắc không khí tại TPHCM trong ba tuần gần nhất cho thấy, chỉ số bụi mịn PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép, ô nhiễm gia tăng.

Những ngày gần đây TPHCM thường xuất hiện lớp mù bao phủ khá dày đặc, sáng sớm lớp mù này còn mờ, sau đó đậm dần và kéo dài đến tận trưa.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đây là hiện tượng mù quang hóa thường thấy tại Nam Bộ vào những tháng cuối năm. Dạng ô nhiễm không khí này xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

ô nhiễm
Hoạt động giao thông là "thủ phạm" hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Người dân khi ra đường cần đeo khẩu trang, che chắn kĩ để tránh hít quá nhiều bụi mịn (Ảnh: HL)

Kết quả quan trắc không khí ba đợt gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TPHCM đều vượt ngưỡng cho phép.

Trong đợt đo từ 31/10 đến ngày 6/11 chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 19% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn. Đợt đo tiếp theo từ ngày 7/11 đến ngày 13/11 cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 21,9% giá trị quan trắc không đạt.

Từ ngày 14/11 đến ngày 20/11, các chỉ tiêu bụi (TSP) có 42,9% giá trị quan trắc không đạt. Chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 9,5% giá trị quan trắc không đạt.

Bụi mịn nguy hiểm như thế nào?

Các nhà khoa học thường sử dụng chỉ số PM 10, PM 2.5, PM 1.0 để thể hiện hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt dạng lỏng, rắn trôi nổi trong 1 m3 không khí.

Chữ PM (Particulate Matter), có nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng). Kí hiệu PM 1.0, PM 2.5 là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm, 2,5 μm (micromet viết tắt là μm, bằng 1 phần triệu mét).

Bụi càng nhỏ hay càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA, bởi sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại và ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi.

Loại bụi này không chỉ khiến môi trường thêm ngột ngạt, khó thở, mà khi cơ thể hít vào sẽ cản hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi... và những bệnh về hô hấp. Ngoài ra chất độc trong bụi đi vào cơ thể người sẽ gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

Ngoài bệnh về hô hấp, bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim…

Bụi siêu mịn PM 2.5 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

Cách ngăn cản bụi mịn vào cơ thể

  • Để bảo vệ bản thân người lớn cũng như trẻ em nên đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, khẩu trang thông thường không thể ngăn cản được bụi mịn xâm nhập vào cơ thể của chúng ta. Cho nên, hãy sử dụng các loại khẩu trang chống bụi siêu mịn chuyên dụng như khẩu trang N95 hoặc đeo 2 chiếc khẩu trang y tế lồng vào nhau.
  • Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc... có thể sử dụng khẩu trang chuyên dụng để ngăn cản được nguy hại của bụi siêu mịn.
  • Hạn chế đeo kính áp tròng vì các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc.
  • Nên rửa tay sạch khi về nhà, uống đủ nước, dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi.
  • Do bụi mịn rất nhỏ nên không chắc rằng trong nhà của chúng ta không có bụi mịn. Do đó, nên trang bị một chiếc máy lọc không khí nhằm nâng cao chất lượng không khí trong nhà.
  • Bên cạnh đó, các gia đình cũng có thể trồng thêm các loại cây cảnh trong nhà để cải thiện chất lượng không khí dù hiệu suất lọc của chúng không bằng máy móc.
  • Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm ô nhiễm nặng như hầm mỏ, đan dệt, xi măng cán thép, các cửa hàng xăng dầu... cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn.

Ngoài các biện pháp trên, người dân cần kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng đồng thời xây dựng chế độ ăn đầy đủ bao gồm trái cây, rau quả chứa nhiều vitamin, chất khoáng và protein từ thịt, cá, trứng sữa... vào bữa ăn hàng ngày.

Bình luận