TPHCM: Không phân bổ vắc-xin COVID-19 cho bệnh viện trừ bệnh viện có khoa Sản lớn

(VOH) - Hiện nay ngành y tế không phân bổ vắc-xin cho các bệnh viện, ngoại trừ các bệnh viện có khoa Sản lớn trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, …

Tính từ 16g ngày 22/11 đến 16g ngày 23/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.204 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM, giảm 343 ca so với chiều qua. Trong ngày, TPHCM ghi nhận 62 ca tử vong vì COVID-19.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 455.706 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, là địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao nhất nước trong đợt dịch này.

Liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin tại các bệnh viện, đại diện Sở Y tế cho biết, hiện nay ngành Y tế không phân bổ vắc-xin cho các bệnh viện, ngoại trừ các bệnh viện có khoa Sản lớn trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ. Các đối tượng này cũng được tầm soát các bệnh lý nguy cơ định kỳ theo hướng dẫn chăm sóc thai phụ và sản phụ cụ thể.

TPHCM: Không phân bổ vắc-xin COVID-19 cho bệnh viện trừ bệnh viện có khoa Sản lớn 1
Gói thuốc C (thuốc kháng vi-rút Molnupiravir) cấp phát cho người F0 điều trị tại nhà (Ảnh: HCDC)

Cũng trong ngày 23/11, Sở Y tế TPHCM cho biết đã ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà phiên bản 1.6. Theo hướng dẫn, sau khi khai báo thông tin với Trạm Y tế, người F0 cách ly tại nhà sẽ được cấp phát gói thuốc A (gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng).

Nếu có triệu chứng nhẹ, người F0 sẽ được nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe, được ký cam kết và cấp phát thuốc kháng vi-rút (gói C) khi có chỉ định dùng thuốc. Khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%), người F0 phải liên hệ ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để được tư vấn, hỗ trợ.

Nếu có chỉ định nhập viện, sẽ được cho sử dụng 01 liều duy nhất (gói B gồm thuốc kháng viêm và thuốc chống đông) trước khi chuyển viện.

Người dân khi tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động để được tiếp cận, đánh giá tình trạng bệnh, điều kiện cách ly để có hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp, cấp phát thuốc. và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm. Bên cạnh đó, F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền ...

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để TPHCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc-xin, nhất là biện pháp 5K “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.

Bình luận