TPHCM thí điểm giám sát cách ly F1 tại nhà bằng công nghệ

(VOH) - Để hỗ trợ công tác giám sát cách ly tại nhà, Thành phố triển khai giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration).

Do diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 tại TPHCM, số ca F1 tăng nhanh, tạo gánh nặng cho ngành y tế nên Thành phố đang thực hiện thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại nhà dưới sự giám sát của lực lượng dân phòng - Công an; y tế và tổ Covid cộng đồng. Trong đó, y tế đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa người đang thực hiện cách ly tại nhà với các lực lượng chức năng.

Để hỗ trợ công tác giám sát cách ly y tế tại nhà Thành phố triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration). Đây là phần mềm được Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Y tế TPHCM phối hợp thực hiện và đặt trụ sở chính tại Trung tâm cấp cứu 115.

TPHCM thí điểm giám sát cách ly F1 tại nhà bằng công nghệ 1
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiểm tra, theo dõi phần mềm quản lý vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid -19 trên địa bàn TP tại Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM.

Theo Thạc sỹ - Bác sỹ - Đỗ Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, những thông tin về ca bệnh F0 được cập nhật trên phần mềm VHD sẽ được thông báo cho đội xe cấp cứu đậu trước sân vận động Phú Thọ đến đưa bệnh nhân về các bệnh viện điều trị Covid -19 một cách nhanh nhất. “Chỉ cần bên kia xác nhận là đã có bệnh viện nhận thì lập tức trong vòng 3 phút là xuất xe. Trung tâm với 38 trạm vệ tinh và 10 bệnh viên tư nhân hỗ trợ xe, đơn vị nào gần bệnh nhân thì điều phối còn Trung tâm 115 đi những khu nào cần thiết nhất, một là gần, hai là ưu tiên bệnh nặng. Còn F0 các nơi khác, hoặc F0 cách ly là xe vận tải, còn cấp cứu là ưu tiên bệnh nặng”, bác sĩ Chánh cho biết thêm.

TPHCM thí điểm giám sát cách ly F1 tại nhà bằng công nghệ 2
Nhân viên y tế tại Trung tâm cấp cứu 115 đang cập nhật thông tin bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 từ các quận, huyện gửi về.

Bà Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, từ hệ thống quản lý người điều trị F0 và người cách ly F1, các quận, huyện sẽ tiếp nhận thông tin và nhập vào hệ thống gọi là điểm tập kết tạm thời những người F0, từ đó hệ thống sẽ tự động cập nhật và đưa lên hệ thống Cấp cứu 115 và Trung tâm cấp cứu 115 sẽ điều xe đến đón bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị. Đồng thời giữa các bệnh viện điều trị cũng có sự kết nối với nhau để có đầy đủ thông tin của các ca đang điều trị, số giường còn trống. Từ hệ thống 115 sẽ thấy trên bản đồ số ca bệnh chuyển đi gần xe cấp cứu nào thì họ điều xe đó tới chở bệnh nhân. Tránh tình trạng chở bệnh nhân đi lòng vòng như trước đây, và sẽ chuyển đúng nơi nhận bệnh để giúp chuyển viện cho người bệnh trong thời gian nhanh nhất. Hiện nay, hệ thống của Trung tâm cấp cứu 115 được kết nối với hệ thống y tế của các quận huyện trong thời gian 5 phút. “Sắp tới TP đang nghiên cứu mở rộng thêm trên app điện thoại, chúng tôi đang từng bước phát triển ứng dụng nhưng các đơn vị phải đảm bảo cập nhật thông tin đúng, chính xác theo thời gian thực tế để đảm bảo liên thông kết nối với Trung tâm 115. Bước thứ hai là chúng tôi hoàn thiện trang cung cấp thông tin điện tử để người nhà bệnh nhân có thể kiểm tra được thông tin người nhà đang điều trị tại đâu và bước thứ 3 là thông tin tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ được hiển thị thông qua app của y tế TP để người nhà bệnh nhân có thể theo dõi thông tin kịp thời", bài Trinh cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế xây dựng phần mềm quản lý người cách ly tại nhà để giám sát người cách ly có đi ra khỏi khu vực mà họ đã đăng ký hay không. Trong ngày 20/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tập huấn cho các quận huyện để triển khai cho tất cả những người cách ly tại nhà phải cài đặt ứng dụng này. Về quy trình, khi được xác định là F0 thì trạm y tế phường sẽ đến thẩm định điều kiện tại nhà xem có đủ tiêu chuẩn hay không. Nếu đủ thì lập hồ sơ đưa cho phòng y tế rồi phòng y tế sẽ trình cho Ban chỉ đạo quận, huyện hoặc quận ủy quyền cho phường quyết định cách ly. “Cài đặt ứng dụng VHD vào điện thoại, khi cài đặt họ phải khai báo số điện thoại di động và nhận diện khuôn mặt, đồng thời phần mềm này sẽ định vị vị trí, nếu ra khỏi vị trí đó thì phần mềm sẽ báo cáo cho người quản lý. Và hàng ngày những người này phải báo cáo về cho cán bộ y tế 3 lần, trừ những lần đột xuất có triệu chứng. Tôi đề nghị với những người cài phần mềm VHD chúng ta sẽ cử một cán bộ y tế phụ trách 20 người để theo dõi sức khỏe. Thứ hai là khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ thì lập tức phải xử lý. Thứ 3 là đầu mối để xét nghiệm những người này. Không chỉ xét nghiệm mà phải xét nghiệm cả những người chăm sóc và ở cùng nhà với họ”, ông Hưng đề nghị.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD này nhằm bảo đảm các trường hợp cách ly tuân thủ quy định không tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. Qua đó, nhân viên trực theo dõi sẽ có hỗ trợ kịp thời khi người bệnh dương tính với SARS-CoV-2.

Bình luận