Trẻ khóc dạ đề: Hơ than, dùng lá trầu bà, trứng gà đều không tốt

(VOH) – Khóc dạ đề là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bố mẹ hiểu không đúng, dẫn đến trị sai cách khiến bé không khỏe, người lớn cũng stress.

Hình minh họa. Nguồn: internet

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi tư vấn về nguyên nhân và cách thức chữa chứng khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh:

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi hiện là Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp cho chứng khóc dạ đề.

Khóc dạ đề không phải là bệnh lý

Khóc dạ đề tức là bé khóc vào ban đêm, thường gặp ở trẻ sơ sinh. Việc này kéo dài có thể khiến mẹ và những người chăm sóc bé dễ bị stress.

Đây là tình trạng bé khóc sinh lý chứ không phải là bệnh lý.

Khi bé bị bệnh lý như lồng ruột, tình trạng co thắt, hẹp môn vị, phình ruột, teo ruột, hẹp đại tràng bẩm sinh... tới mức tổn thương làm bé khó chịu, bé đau liên tục và bé khóc thì không gọi là khóc dạ đề.

Khi bé khóc nhiều thì phải đưa bé đi kiểm tra. Trường hợp bác sĩ loại trừ tất cả các bệnh lý thì mới gọi là khóc dạ đề.

Ba nhóm nguyên nhân chính gây chứng khóc dạ đề:

Thứ nhất, do thiếu canxi: ít gặp nhất (chỉ khi bà mẹ bị thiếu Canxi mạn tính).

Thứ hai, hệ thần kinh chưa trưởng thành: làm cho các kích thích thần kinh, đặc biệt là kích thích thần kinh thực vật như kích thích lên tim, phổi, ruột, dạ dày...có thể mạnh hơn hoặc yếu hơn bình thường. Trong một số trường hợp gây những cơn co thắt. Điều này là do bé mới sinh ra, còn yếu, chưa trưởng thành về mặt cơ thể học

Thứ ba, những nguyên nhân làm tăng kích thích ruột, tăng nhu động ruột: Do men tiêu hóa bé còn yếu làm tăng hơi trong ruột già gây tình trạng đau bụng, khóc dạ đề.

Con khóc dạ đề, phải làm sao?

Đối với nguyên nhân thứ nhất, có thể nói đa số trường hợp Canxi truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai đủ cho bé phát triển. Bé khóc dạ đề có thể là do bé thiếu vitamin D (vitamin giúp hấp thu và chuyển hóa Canxi).

Việc cho bé uống bổ sung Canxi thường không có hiệu quả. Cách tốt nhất là cần tắm nắng thường xuyên cho con.

Đối với nguyên nhân thứ hai, bé khóc dạ đề do hệ thần kinh chưa trưởng thành, bé thường ổn định trở lại khi được 2-3 tháng tuổi (có bé chậm hơn thì tới 6 tháng tuổi). Bé uống sữa mẹ thì trong sữa mẹ có rất nhiều chất béo tốt giúp cho hệ thần kinh bé trưởng thành. Vậy nên tình trạng khóc dạ đề sẽ giảm dần theo thời gian.

Đối với nguyên nhân thứ ba, ruột bé chưa trưởng thành, thiếu men tiêu hóa thì cách trị liệu là cố gắng cho bé bú đủ lượng sữa để tăng lượng chất béo trong khẩu phần tăng thoát lưu của ruột. Mẹ thường xuyên mát-xa cho con để giúp con đẩy hơi trong ruột ra ngoài.

Cách mát-xa hiệu quả là dùng bàn tay áp lên bụng bé xoa theo chiều kim đồng hồ hoặc dùng hai tay nắm hai cổ chân bé xoay nhẹ nhàng để bé trung tiện dễ dàng. Khi bé thiếu men nhiều phải sử dụng thêm thành phần men hỗ trợ (nhưng tình trạng này hiếm gặp).

Những cách “truyền miệng” trị khóc dạ đề không nên áp dụng

Theo “truyền miệng”, bé khóc và thường kèm theo triệu chứng vặn vẹo người là do những lông tơ trên lưng bé cứng và đâm ngược vào trong làm đau.

Điều đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, những lông tơ này là bình thường. Ngay cả trên lưng người lớn chúng ta cũng có nhưng sừng hóa dày hơn nên không thấy rõ.

Dùng lá trầu bôi lên, hơ trên than, bôi trứng gà… để làm lông tơ này mềm, rụng đi, thực chất không tốt vì da bé còn rất mỏng manh và các lớp sừng hóa chưa đủ để bảo vệ da.

Bình luận