Viêm tiểu phế quản là bệnh gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị

(VOH) - Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ 3 - 6 tháng tuổi.

Bệnh viêm tiểu phế quản là gì ?

Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng phổi bởi một số loại virut. Tình trạng này làm tắc nghẽn tiểu phế quản (phế quản nhỏ gọi là tiểu phế quản).

Khi bị bệnh, các tiểu phế quản này bị viêm, sưng, phù nề tiết ra nhiều dịch nhầy làm cho đường thở trẻ bị chít hẹp gây ra khó thở, thậm chí tắc nghẽn do các nốt nhầy dẫn đến xẹp phổi. Hội chứng lâm sàng gồm: ho, khò khè, khó thở, thở nhanh co lõm ngực.

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là từ 3 đến 6 tháng tuổi

Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất khi thay đổi thời tiết, khi trời trở lạnh: vào mùa mưa (các tỉnh phía Nam), hay mùa lạnh (các tỉnh phía Bắc).

Thời gian ủ bệnh vài ngày đến một tuần.

Hầu hết trẻ bệnh khoảng 10 ngày sau đó tự hồi phục tuy vậy có một số ít trường hợp cần phải nhập viện.

Diễn tiến của bệnh thường theo chiều hướng thuận lợi, ít để lại di chứng trừ những thể kéo dài, đôi khi bệnh có thể chuyển sang dạng viêm tiểu phế quản tắc nghẽn khá trầm trọng. Viêm tiểu phế quản cũng có liên quan đến bệnh suyễn nơi trẻ nhũ nhi. Do vậy, trẻ cần phải được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán chính xác.

Nguyên nhân viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm virut hàng đầu là Respiratory Syncytial virut và còn có Humam metapneumo virut, Rhino virus, Adeno virus, Influenza virus

*Virút Respiratory Syncytial virut có 2 điểm đặc biệt:

Có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch.

Người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virút nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ < 2 tuổi bị lây nhiễm có biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản, trẻ càng nhỏ thì càng dễ bị nặng. Điều này được giải thích là do khả năng gây bệnh đặc biệt của loại virút này đối với trẻ dưới 2 tuổi.

Bệnh viêm tiểu phế quản lây lan cách nào ? 

Cách lây truyền nhiều nhất qua các giọt nước bọt, chất tiết lớn bắn ra từ mũi miệng người bệnh và trong không khí.

Lây từ trẻ này sang trẻ khác qua bàn tay người chăm sóc và khi tiếp xúc bề mặt bị nhiễm (đồ chơi, quần áo trẻ bị bệnh). 

Cũng cần lưu ý trẻ sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chật hẹp, hít khói thuốc lá thụ động; trẻ trong gia đình có người bị suyễn, dị ứng sẽ có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản và nhiễm trùng đường hô hấp dưới khá cao.

Chú ý bệnh viêm tiểu phế quản

Hình minh họa: internet

So sánh viêm tiểu phế quản và viêm phế quản

Viêm tiểu phế quản và viêm phế quản là hai bệnh khác nhau.

Bệnh viêm tiểu phế quản chỉ thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, trẻ có sức đề kháng kém như trẻ đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, mắc bệnh phổi mãn (đã được thở máy và thở oxy kéo dài), có các bệnh lý bẩm sinh…Bệnh diễn biến lành, đa số bệnh nhân tự phục hồi nếu được chăm sóc tốt. 

Bệnh viêm phế quản là bệnh lý về đường hô hấp, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đây là tình trạng các niêm mạc trong phế quản bị viêm và tổn thương làm sưng phồng lên. Bệnh thường diễn ra theo hai chiều hướng cấp tính (ngắn) và mạn tính (kéo dài) và gây khó khăn trong điều trị do thuốc kháng sinh dễ bị lờn. 

Triệu chứng viêm tiểu phế quản

Bệnh khởi phát trong 2 – 3 ngày.

Lúc đầu trẻ hắt hơi, sổ mũi, ho ít, sốt nhẹ. Nhưng cũng cần lưu ý sốt không phải đặc trưng của căn bệnh. Thực tế, rất nhiều trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản không hề có biểu hiện sốt, nếu có, chỉ sốt rất nhẹ.

3 – 5 ngày sau, ho tăng dần, có khò khè, thậm chí thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái.

Bé có thể bỏ bú, bú kém. Triệu chứng toàn thân: Sốt cao, quấy, li bì...

Diễn tiến, tác hại của viêm tiểu phế quản

Thông thường, trẻ sẽ bớt khò khè, khó thở. Sau khoảng 5-7 ngày, trẻ thở trở lại bình thường, ho giảm dần rồi khỏi hẳn trong khoảng 10-14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.

Biến chứng thường gặp của bệnh là: suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị nhiễm thêm vi trùng), xẹp phổi (do tắc đàm), viêm tai giữa. 

Các dấu hiệu nặng của bệnh viêm tiểu phế quản

Trẻ bị sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ.

Bỏ bú, không uống được, nôn trớ, ói tất cả mọi thứ

Thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng.

Da tím tái, li bì,khó đánh thức

Sốt cao, co giật.

Mất nước, có triệu chứng khó thở như: co kéo lồng ngực, các cơ liên sườn, hõm ức.

Khi thấy các biểu hiện như trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ kéo dài hơn, nặng hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng nhiều hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ có tiền sử sanh non nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim – phổi , trẻ bị suy giảm miễn dịch.

Đây là những trẻ được coi là có yếu tố nguy cơ cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản. 

Bệnh cũng có khả năng tái phát: 75% trẻ có thể tái phát trong vòng 1 năm sau đó.

Gần đây, người ta cũng đã chứng minh được là viêm tiểu phế quản có liên quan với bệnh suyễn. Sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn và khoảng 1/3 trẻ bị viêm tiểu phế quản sẽ bị suyễn sau này.

Điều trị viêm tiểu phế quản

Điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Gia đình cần cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho

Sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%. Điều trị triệu chứng nếu có (uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt). 

Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị để phòng tránh nguy cơ kháng kháng sinh sau này.

Tránh cho trẻ tiếp xúc tuyệt đối với khói thuốc lá vì khói thuốc có thể làm trẻ sẽ trở nặng và dễ bị suyễn sau này hơn.

Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cử bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều.

Cho trẻ uống nước nhiều hơn mức bình thường, đặc biệt khi trẻ sốt cao hay thở nhanh. Thiếu nước sẽ làm đàm trở nên cô đặc làm bệnh nặng hơn. Đồng thời uống nhiều nước còn giúp trẻ loãng đàm, dịu ho.

Cần đi tái khám đúng hẹn theo lời khuyên của thầy thuốc và chú ý phát hiện những dấu hiệu cần cho trẻ đi khám lại ngay.

Trẻ dễ bị mắc viêm tiểu phế quản

Hình minh họa: internet

Điều trị viêm tiểu phế quản tại bệnh viện

Hút đờm dãi cho bé, thông thoáng đường thở cho trẻ

Nếu trẻ khó thở, cho trẻ thở oxy

Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, quan trọng nhất là cung cấp đủ nước

Truyền dịch nếu trẻ không bú được

Dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản khi bệnh nhân khò khè, co thắt nhiều

Dùng kháng sinh ở những bệnh nhi có bội nhiễm phổi

Cách ly trẻ với các bé khác.

Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản

Để phòng tránh bệnh cho các bé sơ sinh, các bà mẹ cần chú ý ngay từ trong thời gian mang thai. Cần khám thai định kỳ theo lịch của bác sĩ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng.

Với trẻ, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vệ sinh môi trường nhà ở thông thoáng, tránh xa khói thuốc lá.

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thành phần ăn cho trẻ: chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng…

Vào giai đoạn trời trở lạnh hoặc giao mùa, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để trẻ quá nóng, gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm.

Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.

Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với trẻ lớn, người lớn đang bị cảm lạnh cũng như các trẻ bệnh khác

Cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ (vì virút gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp)

Riêng với nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ dưới ba tháng tuổi, trẻ sanh non dưới 34 tuần, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ có bệnh tim phổi mãn cần chú ý dinh dưỡng thật tốt, nâng cao tổng trạng, tránh tiếp xúc người bị cảm cúm, chủng ngừa đầy đủ và cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi.

Mời bạn đọc tìm hiểu Chuyên đề Bệnh viêm phế quản P.6: Kiến thức cần biết về bệnh viêm phế quản co thắt thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi. 

 

Bình luận