Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ

(VOH) - Hiện ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận biến chủng của Ấn Độ. Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene 4 bệnh nhân COVID-19 là chuyên gia Ấn Độ

Biến chủng Ấn Độ có mức độ lây lan mạnh hơn, tử vong nhiều hơn. Hiện ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận biến chủng của Ấn Độ. Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene 4 bệnh nhân COVID-19 là chuyên gia Ấn ĐộTại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 và an toàn tiêm chủng sáng 28/4, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết, chủng virus B.1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng hiện hành.“Chủng này có đột biến kép ở đoạn protein S nên lan tràn rất nhanh, tử vong rất cao”- GS.TS Nguyễn Văn Kính nói.

Hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ cách ly tại Yên Bái mắc COVID-19 và 1 nhân viên khách sạn tiếp xúc gần (F1) cũng đã xác định là bệnh nhân dương tính.

Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ 1

GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết Việt Nam đang giải trình tự gene các ca bệnh chuyên gia Ấn Độ

Hiện nay tất cả các bệnh nhân liên quan đoàn chuyên gia của Ấn Độ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chúng tôi đang giải trình tự gene để xem đây là chủng B117 của Anh trước đây hay là chủng kép để chúng ta tăng cường phòng vệ và có thông tin đầy đủ cho cán bộ y tế tập trung điều trị. Vài ngày tới sẽ có kết quả.

“Sức khỏe của các bệnh nhân Ấn Độ hiện ổn định, chúng tôi vẫn đang theo dõi chưa có ca nào phải thở máy. Về triệu chứng lâm sàng, chỉ có sốt 38,5 độ, ngày thứ 4 hết sốt, X-quang phổi có tổn thương nhưng không nhiều, chưa có chỉ định phải thở oxy, không có sự khác biệt vê triệu chứng”- GS.TS Nguyễn Văn Kính nói

Nếu phát hiện thêm chủng mới, Việt Nam sẽ có 5 chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành, bên cạnh chủng đột biến B.1.1.7 của Anh, chủng Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ở Vũ Hán.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay hiện nay cả thế giới đang chăm chú đến biến chủng kép của Ấn Độ B.1.617. Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu.

"Dù chưa rõ tỉ lệ cao hơn bao nhiêu nhưng người ta thấy nhanh hơn tất cả những chủng trước đây Ấn Độ từng gặp. Do đó không chỉ Ấn Độ phải đối mặt với biến chủng kép, cả thế giới cũng hết sức quan tâm, làm sao để ngăn chặn không lan tràn sang nước khác”- GS.TS Nguyễn Văn Kính thông tin.

Với bối cảnh thực tế hiện nay, người ta thấy rằng trong 10 ngày nữa Ấn Độ mới đạt đỉnh về số tử vong. 

Không chỉ riêng Ấn Độ đang phải đối mặt với biến chủng kép này mà cả thế giới đều phải quan tâm, làm sao để ngăn chặn được, để nó không lan tràn thêm các nước khác. Dù vậy nhiều nước vẫn đang mở cửa, chưa đóng cửa biên giới nên đã có sự lây lan của chủng này sang nước khác. Hiện ít nhất 17 quốc gia đã ghi nhận.

Về điều trị, hiện nay chưa có thuốc gì đặc hiệu, vẫn phải theo dõi điều trị thật sớm các triệu chứng của bệnh nhân, nâng cao thể trạng. Khi bệnh nhân tổn thương phổi thì phải điều trị phổi bằng biện pháp oxy, nếu rối loạn đông máu thì có hướng điều trị phù hợp…, đã có hướng dẫn cụ thể.

Tính đến sáng 28/4, Ấn Độ đã ghi nhận gần 18 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ hai thế giới và hơn 201.000 ca tử vong. Riêng 24 giờ qua, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới ghi nhận gần 363.000 ca mắc mới và hơn 3.200 ca tử vong.

Bộ Y tế: Ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

Sáng ngày 28/4 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và tập huấn hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Hội nghị nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị COVID-19 và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho các cở sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần đạt mục tiêu kép: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước và bảo đảm phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Để đảm bảo việc an toàn hơn đối với công tác tiêm chủng, ngày 15/4/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 1888/QĐ-BYT  thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban; PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Các thành viên còn lại là lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các chuyên gia lĩnh vực hồi sức cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ… của Bộ Y tế.

Ban chỉ đạo còn có Tiểu ban Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng do GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức xử trí xự cố bất lợi sau tiểm chủng vắc xin phòng COVID-19 do GS.TS Nguyễn Gia Bình làm Chủ tịch Hội hồi sức Cấp cứu và chống độc Việt Nam làm Trưởng tiểu ban.

Việt Nam đang gấp rút giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ 2

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban điều trị phát biểu tại Hội nghị

Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc tại Việt Nam.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị cập nhật và chỉ đạo các nội dung về an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch COVID-19.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Xây dựng hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng; tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Nghiên cứu, phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19; Chỉ đạo công tác truyền thông về việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, vắc xin COVID-19 cũng như các vắc xin khác trong quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ:

+ Rất phổ biến: sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38độ C); như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh.

+ Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

+ Có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.

Để triển khai công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 được an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn như Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19 theo Quyết định 1966/QĐ-BYT ngày 22/4/2021; …đồng thời tổ chức các lớp tập huấn quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc An toàn; Thận trọng; Thực hiện từng bước; Tăng cường tối đa độ bao phủ.

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên tại 3 địa điểm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Đến ngày 26/4/2021 đã tiêm 259.736 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị người bệnh COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng trên toàn quốc.

Bình luận