Vượt qua định kiến, nhiều bạn trẻ đăng ký hiến tạng cứu người

(VOH) – Theo trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, hiện cả nước có khoảng 20.000 người đăng ký hiến tặng lại bộ phận cơ thể sau khi qua đời, giúp các bệnh nhân có được một cuộc đời mới.

Chứng kiến và cảm thông trước nỗi đau, mất mát của những bệnh nhân phải ra đi vì không có tạng để ghép, anh Nguyễn Nhật Hoàng - hiện là kỹ sư xây dựng tại TPHCM - đã đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi mình qua đời.

Khi quyết định hiến tạng, vấp phải nhiều ngăn cản từ gia đình, tuy nhiên, anh đã dành thời gian thuyết phục, diễn giải cho tất cả mọi người về sự lựa chọn của mình. Với quan niệm cho đi là còn mãi, mong sau này những thứ mình hiến tặng sẽ mang lại thêm cuộc sống cho nhiều người. Đồng thời, việc đăng ký hiến tạng cũng giúp anh có quyết tâm duy trì cơ thể khỏe mạnh, hạn chế những việc làm không tốt cho sức khỏe. Anh Hoàng chia sẻ: "Trước đây, mình rất khâm phục những người hiến tạng cứu người, nhưng cũng chưa nghĩ nhiều về việc trực tiếp tham gia. Thời gian dịch Covid vừa rồi, chiêm nghiệm về sự sống và cái chết, mình nhận ra việc hiến tạng quan trọng như thế nào với mọi người." 

Nhật Hoàng cũng bộc bạch thêm, điều làm anh quyết tâm hiến tạng là viễn cảnh sau này mình qua đời mà trái tim vẫn đập, lá phổi vẫn thở, thận vẫn hoạt động… trong cơ thể một người khác, chắc chắn những người thân của anh sẽ rất an ủi vì có thể cảm nhận được anh vẫn còn hiện diện và biết được rằng anh đã làm cho một cuộc đời khác được hồi sinh.

Vượt qua định kiến, nhiều bạn trẻ đăng ký hiến tạng cứu người 1
Các bác sĩ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng - Ảnh: Bệnh viện 108 cung cấp

Cũng như Nhật Hoàng, anh Tiến Đạt (30 tuổi, ở Biên Hòa – Đồng Nai) cũng đã can đảm thổ lộ với gia đình ý nguyện hiến tạng của mình. Sau nhiều lần trì hoãn, vừa qua, anh đã hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Anh chia sẻ mình có ý định hiến tạng khi tận mắt thấy tình cảnh ngặt nghèo của những bệnh nhân cần ghép tạng, họ đang rất đau đớn, khổ sở vì cơ thể bị hư hỏng bộ phận nào đó nhưng không có để thay thế. Cảm nhận sự đau đớn đó, anh Đạt quyết định hiến tạng. Anh chia sẻ: "Kế hoạch hiến tạng này là mình đã suy nghĩ và lựa chọn để làm điều thật ý nghĩa. Khi mình mất đi các bộ phận trong cơ thể như là giác mạc hoặc lá phổi có thể hiến để giúp những người đang cần".

Không riêng gì anh Hoàng, anh Đạt, nhiều bạn trẻ khác cũng chia sẻ, có lẽ việc khó khăn nhất là làm sao để vượt qua rào cản tâm lý từ phía người thân, vượt qua quan niệm truyền thống của việc hậu sự. Thế nhưng, tình yêu thương con người, cảm thông với những đau khổ của người khác đã giúp họ can đảm vượt qua, vững bước với sự lựa chọn của mình.

Theo trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng 20.000 người đăng ký hiến tặng lại bộ phận cơ thể sau khi qua đời, giúp các bệnh nhân có được một cuộc đời mới. Đây là một con số thật sự mang nhiều ý nghĩa và đáng được trân trọng. Đặc biệt trong số những người đồng ý hiến tạng có rất nhiều bạn trẻ tuổi vừa mười tám, đôi mươi. Có thể nói, tinh thần này của các bạn trẻ đã chứng minh cho lối tư duy tiến bộ, hành động nhân văn, phá vỡ quan điểm 'chết không toàn thây' vốn đã cũ mòn, và tương lai sẽ có không ít bệnh nhân được nối dài sự sống.

Chính những người trẻ như thế sẽ giúp lan tỏa mạnh mẽ giá trị sống tích cực đến cộng đồng.

Bình luận