WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 đang chuyển hướng lây lan nhanh ở người trẻ tuổi

(VOH) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về mối lo ngại đại dịch Covid-19 đang có xu hướng lây lan nhanh ở người trẻ tuổi, và rất nhiều người không có triệu chứng hoặc không biết mình nhiễm bệnh.

Các quan chức của WHO trong tháng 8 này cũng từng thông báo về tỷ lệ người trẻ tuổi nhiễm Covid-19 đang gia tăng trên toàn cầu. Những người này được WHO xác định là ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Điều này càng đặt nhóm những người “dễ bị tổn thương” vào tình huống rủi ro và nhiều nguy cơ hơn, bao gồm người cao tuổi và những người có bệnh lý nền nặng - đặc biệt ở những khu vực có hệ thống chăm sóc sức khỏe bị xếp vào loại kém.

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - ông Takeshi Kasai phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến: “Đại dịch đang thay đổi. Tỷ lệ lây lan ở nhóm người ở độ tuổi 20, 30 và 40 đang tăng nhanh, và nhiều người trong số họ không hề biết mình nhiễm bệnh. Điều này sẽ khiến lây lan nhanh chóng hơn nữa đến nhóm người “dễ bị tổn thương” với nguy cơ tử vong cao.

Theo hãng tin Reuters, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới đã buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, khiến kinh tế toàn cầu tiến rất gần đến bờ vực khủng hoảng. Bên cạnh đó, cuộc đua sản xuất vắc-xin Covid-19 giữa các nước đang dần nóng lên, trong bối cảnh đại dịch đã lấy đi sinh mạng của hơn 770.000 người và gần 22 triệu người đã nhiễm bệnh.

WHO cảnh báo đại dịch Covid-19 đang chuyển hướng lây lan nhanh qua người trẻ tuổi
Báo cáo mới của WHO cho thấy đại dịch Covid-19 đang chuyển hướng lây lan nhanh ở người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Ảnh: The Globe Post

Mặt khác, tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đưa ra nhận định rằng nhiều quốc gia trong việc đảm bảo nguồn cung ứng vắc-xin đã đặt lợi ích của nước mình lên hàng đầu, và điều này đang khiến tình hình dịch bệnh ngày càng xấu đi.

“Chỉ những hành động mang tính chiến lược phạm vi toàn cầu mới thực sự là lợi ích đối với mỗi quốc gia - sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”, ông Tedros bày tỏ khi kêu gọi thế giới hãy kết thúc cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin”.

Ngoài ra, WHO cũng nhắc nhở các nhà sản xuất, phát triển vắc-xin hãy tuân theo đủ quy trình gồm tất cả các bước nghiên cứu và phát triển cần thiết khi tạo ra vắc-xin.

Socorro Escalante, cố vấn dược và kỹ thuật tại WHO cho biết, cơ quan này đang phối hợp làm việc thêm với Nga - quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố cấp phép vắc-xin Covid-19 - về bằng chứng y học cho thấy hiệu quả và tính an toàn của loại vắc-xin này.

Hiện nay, số ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại các quốc gia được xem là hình mẫu chống dịch, trong đó có Việt Nam khi hơn 3 tháng liền không có ca nhiễm mới trong cộng đồng nhờ vào những nỗ lực quyết liệt, tích cực của chính phủ.

Theo ông Takeshi Kasai từ WHO, cái mà thế giới đang thấy không chỉ đơn giản là sự gia tăng ca nhiễm, mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bước vào giai đoạn mới hoàn toàn của đại dịch.

Ông Kasai cho rằng các nước có thể giảm thiểu số ca tử vong cũng như những thiệt hại về kinh tế nếu biết kết hợp tốt giữa việc phát hiện sớm và phản ứng nhanh trong việc quản lý các trường hợp nhiễm mới. Ông cũng cho biết mặc dù đã ghi nhận Sars-CoV-2 có xuất hiện biến thể, tuy nhiên WHO vẫn xác định loại virus này vẫn đang “tương đối ổn định”.

Bình luận