Chờ...

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2018

(VOH) - Năm 2018 là một năm bận rộn của thế giới với nhiều sự kiện đáng chú ý.

Thế giới chứng kiến một loạt cuộc gặp thượng đỉnh hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên, nhưng cũng đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các vụ đụng độ và nhiều thiên tai, thảm họa.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật của năm 2018 như sau:

1. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai siêu cường Mỹ - Trung trở nên quyết liệt từ tháng 7, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế với 50 tỷ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, châm ngòi cho chiến tranh thương mại giữa hai nước. Bắc Kinh đáp trả theo chiến thuật "ăn miếng trả miếng", khiến Trump tung đòn áp thuế tiếp theo, nâng giá trị hàng hóa mà Mỹ và Trung Quốc áp thuế lẫn nhau lần lượt là 250 tỷ đô la Mỹ và 110 tỷ đô la Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Argentina vào tháng 12, Mỹ và Trung Quốc đã có thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày để thảo luận về những mâu thuẫn.

2. Hội nghị thương đỉnh Mỹ-Triều và chuyển động bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 12/6 tại Singapore sau một năm cận kề bờ vực chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và nỗ lực hòa giải của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới, được kỳ vọng mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ Mỹ - Triều. Và cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4 được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bán đảo Triều Tiên.

Ảnh: VOX

Gần 2 tháng sau, ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt bút ký một thỏa thuận chung mang tính lịch sử trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia thù địch này tại Singapore. Theo đó, hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ mới, nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

3. Anh - EU thông qua thỏa thuận Brexit.

Ngày 25/11, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit với Anh (Anh rời khỏi EU).

Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi người dân Anh ủng hộ thỏa thuận này trong bối cảnh Anh dự kiến sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3/2019.  Tuy nhiên, hôm 10/12, Thủ tướng May đã hoãn cuộc bỏ phiếu về dự thảo Brexit mới tại Quốc hội Anh do lo ngại nhiều nghị sĩ vẫn phản đối.

4. Tổng thống Ngà Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ 4.

Tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin đã tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 sau khi giành chiến thắng với số phiếu ủng hộ áp đảo là 76% trong cuộc bầu cử ngày 18/3.

Ảnh: RIA NOVOSTI

Trên cương vị lãnh đạo nước Nga ít nhất đến năm 2024, Tổng thống Putin đã và sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước cũng như chèo lái đất nước thoát khỏi bao vây cô lập quốc tế sau các lệnh trừng phạt của phương Tây và các cáo buộc liên quan đến hoạt động tình báo Nga tại nước ngoài.

5. Sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc vươn đến hơn 65 quốc gia

5 năm sau khi được khởi xướng, sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc đã vươn đến hơn 65 quốc gia với các dự án đầu tư hạ tầng kết nối như đường sắt, cảng biển, cầu đường nhưng đi kèm đó là những chỉ trích về tính minh bạch và bền vững. Vành đai, con đường" được quảng bá như một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm "thúc đẩy liên kết vùng và chờ đón một tương lai tươi sáng hơn".

Trong khi đó, những người chỉ trích Trung Quốc xem đó là một chiến lược nhằm tạo dựng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, thông qua hệ thống thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm.

6. APEC lần đầu không ra được tuyên bố chung

Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 18/11 đã không thể đưa ra được tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao lần thứ 26 diễn ra tại Papua New Guinea, trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra được một tuyên bố chung chính thức.

7. Nga tổ chức kỳ World Cup thành công nhất trong lịch sử

FIFA World Cup 2018 là giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 được tổ chức tại Nga. Đây là lần đầu tiên, giải được tổ chức tại một quốc gia thuộc khu vực Đông Âu. Giải đấu diễn ra từ ngày 14/6 đến 15/7. Pháp đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Croatia.

Theo tính toán, Nga mạnh tay đầu tư tới 14 tỷ đô la Mỹ cho mùa World Cup 2018, là kỳ World Cup đắt nhất trong lịch sử. Chủ tịch FIFA Gianni Infantin nói rằng World Cup 2018 tại Nga là "kỳ World Cup tuyệt vời nhất" và cả thế giới "đã phải lòng Nga" sau khi họ tổ chức giải đấu.

8. Pháp chấn động vì các cuộc biểu tình “Áo vàng”

Từ giữa tháng 11, biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu do phong trào “ Áo vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào ngày cuối tuần ở Pháp đã trở thành cuộc biểu tình hàng loạt tồi tệ nhất ở nước này. Làn sóng biểu tình biến thành bạo động làm gần 10 người chết, 500 người bị thương, hàng ngàn người bị bắt, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ EUR.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron buộc phải nhượng bộ, tuyên bố năm 2019 ngừng tăng thuế nhiên liệu. Những cuộc biểu tình tương tự phong trào “Áo vàng” ở Pháp đã lan sang nhiều nước châu Âu, Trung Đông và cả châu Phi.

9. Facebook lộ thông tin 87 triệu người dùng

Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hồi tháng 3 khi hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội này bị Cambridge Analytica, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân trái phép mà họ không hề hay biết. Sau đó Facebook đã đưa ra con số chính xác lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi sự việc.

Theo đó không chỉ hơn 50 triệu người dùng bị lấy cắp thông tin như công bố ban đầu mà con số này lên đến hơn 87 triệu người dùng, phần lớn trong số đó là người dùng tại Mỹ.

10. Thiên tai, sóng thần ở Indonesia, cháy rừng California làm cho hàng ngàn người lâm vào hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa.

3 vụ động đất mạnh từ 6 - 7,5 độ Richter liên tiếp xảy ra và sóng thần trên đảo Sulawesi của Indonesia vào tháng 9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, 5.000 người mất tích, 90.000 người mất nhà cửa. Tối 22-12, các vùng ở khu vực eo biển Sunda của Indonesia hứng chịu cơn sóng thần khiến 222 người thiệt mạng và hơn 843 người bị thương và 28 người mất tích.

Tại Mỹ, đám cháy rừng Camp, vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử bang California bùng phát ngày 8/11 những mãi đến ngày 25/11 mới được kiểm soát hoàn toàn. Đám cháy đã thiêu rụi hơn 600 km2 diện tích hạt Butte, khiến 85 người thiệt mạng và phá hủy 14.000 ngôi nhà.

Chính phủ tăng giá bánh mỳ, người dân Sudan xuống đường biểu tình - Sudan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại hối trầm trọng và tỷ lệ lạm phát tăng vọt, bất chấp việc Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế hồi tháng 10/2017.
Động đất mạnh 7,2 độ tại Philippines, có nguy cơ xảy ra sóng thần - Sáng 29/12, một trận động đất cường độ 7,2 độ đã làm rung chuyển quần đảo Mindanao, miền Nam Philippines.
Bình luận