Chờ...

ASEAN có thể mời Canada và châu Âu tham gia đối thoại quốc phòng mở rộng

VOH - Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đang cân nhắc bổ sung đại biểu phương Tây vào khuôn khổ đối thoại an ninh khu vực, khi vấn đề địa chính trị toàn cầu ngày càng ảnh hưởng đến Đông Nam Á.

Các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đang nhóm họp tại thành phố Luang Prabang phía bắc Lào, để thảo luận về an ninh. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Suthin Klungsaeng cho biết, khối đang xem xét thêm đại biểu cho hội nghị quốc phòng mở rộng, hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).

Các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN họp tại Lào - Ảnh: Nikkei Asia
Các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN họp tại Lào - Ảnh: Nikkei Asia

Ông Suthin nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang xem xét chấp nhận thành viên mới, vì các quốc gia châu Âu bày tỏ sự quan tâm muốn tham gia, như Pháp, Canada và Anh. Hiện tại, đối thoại này có 8 thành viên ngoài ASEAN là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ.”

Ông Saichay Kommasith, thư ký thường trực của Bộ Quốc phòng Lào thông tin, các bộ trưởng đã giao cho một ủy ban làm việc để đưa ra hướng dẫn chi tiết.

Ông nói: “Ủy ban dự kiến sẽ hoàn thiện quy trình và đề xuất thông qua tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tiếp theo, diễn ra vào tháng 11/2024.”

Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng trong khu vực, khi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và sự đối đầu với Mỹ ngày càng gay gắt. Cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, cũng tác động đến khu vực, như đẩy giá hàng hóa lên cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath nói trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp: “Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến những xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến ASEAN, do vậy cần xem xét rủi ro, thách thức phía trước và tìm giải pháp.”

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh, Philippines cùng ngày cáo buộc Trung Quốc làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội của họ đang đóng ở 1 hòn đảo trên biển Đông.

Với ASEAN, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở một trong những thành viên của khối là Myanmar, cũng trở thành chương trình nghị sự cấp bách. Ba năm đã trôi qua từ khi quân đội đảo chính tháng 2/2021, nhưng vẫn chưa đạt được tiến bộ trong việc khôi phục hòa bình.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết, 18,6 triệu người trên khắp Myanmar cần hỗ trợ.

Myanmar đã cử quan chức tới cuộc họp hôm 5/3, đánh dấu sự trở lại khuôn khổ quốc phòng khu vực. Chính quyền quân sự Myanmar đã bỏ qua hầu hết cuộc họp cấp cao của khối từ khi đảo chính.

Tháng 1/2024, Myanmar cũng cử quan chức tới cuộc họp bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần đầu tiên sau hơn 2 năm, trong đó các thành viên đã đồng ý gửi viện trợ nhân đạo tới Myanmar qua biên giới Thái Lan. Chính quyền Thái Lan đã đến thăm khu vực biên giới Mae Sot vào ngày 8 và 9/2, để thiết lập trạm kiểm soát cho quá trình viện trợ.

Các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan, dự kiến sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ cung cấp hàng hóa xuyên biên giới tới Myanmar.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thái Lan Suthin nói với các phóng viên rằng, các bộ trưởng tại cuộc họp chỉ nói về cách tăng cường viện trợ nhân đạo cho tất cả quốc gia ASEAN, hơn là viện trợ cụ thể cho Myanmar.

Các nước thành viên ASEAN khẳng định, Myanmar cần tuân theo đồng thuận 5 điểm, tức lộ trình khôi phục hòa bình đã được thống nhất vào tháng 4/2021, giữa lãnh đạo ASEAN và chính quyền quân sự Myanmar. Đồng thuận kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức, tạo ra đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, cử đặc phái viên ASEAN đến để hỗ trợ đàm phán hòa bình và cung cấp viện trợ nhân đạo.

Bình luận