Vào đêm 18/7, Chính phủ Bangladesh cho biết, họ sẽ ngắt mạng Internet di động vì lý do an ninh trong bối cảnh các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng do hàng chục nghìn sinh viên lãnh đạo. Quyền truy cập vào mạng xã hội cũng bị chặn.
Sáng 19/7, các kênh truyền hình tin tức tại nước này vẫn ngừng phát sóng sau khi trụ sở đài phát thanh nhà nước ở Dhaka bị người biểu tình xông vào và đốt cháy.
Quyền truy cập vào mạng xã hội đã bị hạn chế sau khi Bộ trưởng Viễn thông Zunaid Ahmed Palak cho biết, mạng xã hội đã bị "biến thành công cụ để phát tán tin đồn, lời nói dối và thông tin sai lệch".

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng này tại các trường đại học khi sinh viên yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch dành 30% việc làm của chính phủ cho các thành viên gia đình của những cựu chiến binh đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.
Hạn ngạch gây ra các cuộc biểu tình đã bị bãi bỏ vào năm 2018 nhưng đã được khôi phục vào tháng 6/2024 sau phán quyết của tòa án, gây ra sự phẫn nộ trong giới sinh viên.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Bangladesh rất cao và việc làm trong chính phủ được coi là một trong số ít cơ quan có việc làm ổn định. Những người trẻ tuổi cho biết, hạn ngạch khiến họ rất khó có được việc làm theo năng lực.
Những người biểu tình cho rằng, chính sách này là không công bằng và phân biệt đối xử, đặc biệt có lợi cho các thành viên của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền do thủ tướng Sheikh Hasina lãnh đạo.
Các cuộc biểu tình đã leo thang thành một trong những cuộc bất ổn tồi tệ nhất trong một thập kỷ khi các nhóm sinh viên ủng hộ chính phủ tấn công người biểu tình, và cảnh sát đã bắn hơi cay, đạn cao su vào đám đông.
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động được trang bị vũ khí hạng nặng và người biểu tình, nhiều người mang theo dùi cui và gạch đá - đã lan rộng khắp cả nước - khiến nhiều xe cộ bị đốt cháy trên đường phố và hàng nghìn người bị thương.
Tờ Dhaka Times cho biết, một trong những phóng viên của tờ này, Mehedi Hasan đã thiệt mạng khi đưa tin về các cuộc đụng độ ở thủ đô.