Chờ...

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ

(VOH) - Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do tốc độ tiêm chủng vắc-xin không theo kịp tốc độ lây lan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới do tốc độ tiêm chủng vắc-xin không theo kịp tốc độ lây lan của chủng virus biến thể vốn được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ này.  

bien-the-delta-cua-virus-sars-cov-2-da-xuat-hien-tai-98-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-voh.com.vn-anh1
Người dân Ấn Độ đang được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại một bệnh viện ở thủ đô New Delhi vào ngày 3/7/2021. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng, tốc độ chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 giữa các nước giàu với các nước có thu nhập thấp diễn ra quá chậm, làm ảnh hưởng đến việc ngăn chặn sự lây lan của chủng virus biến thể Delta, và hiện nay có ít nhất 98 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện chủng virus này, đe dọa tính mạng của hàng triệu người.  

Khi cảnh báo này của ông Tedros được đưa ra, giáo sư Dame Sarah Gilbert tại Đại học Oxford, thành viên nhóm nghiên cứu vắc-xin của AstraZeneca/Oxford (hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford), kêu gọi sự thận trọng trong việc tiêm vắc-xin cho trẻ em ở Anh.

Bà Dame Sarah Gilbert nói với giới truyền thông rằng: "Chúng ta phải kiểm soát sự cân bằng giữa việc tiêm chủng cho trẻ em ở các nước có thu nhập cao và việc tiêm chủng cho những nơi khác trên thế giới, vì chúng ta cần phải ngăn chặn sự lây lan của loại virus này trên phạm vi toàn cầu".

"Chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi tình trạng khó khăn. Đó là lý do vì sao tôi rất lo lắng về việc tiêm chủng ở những nơi khác trên thế giới, vì chúng ta cần ngăn chặn sự lây lan và tiến hóa của virus, bởi nó có thể mang đến cho chúng ta chủng virus biến thể mới và điều này sẽ rất khó để xử lý", bà Dame Sarah Gilbert giải thích.

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, nó có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và sẽ nhanh chóng "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê của trang Worldometer, tính đến 5h30 sáng nay (5/7) theo giờ Việt Nam, có hơn 184,5 triệu ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với gần 4 triệu ca tử vong.

Tính đến ngày 4/7, chỉ có 20 tiểu bang ở Mỹ đạt được mục tiêu về tiêm chủng vắc-xin do chính quyền tổng thống Joe Biden đưa ra.

Hồi tháng 6, các quan chức Nhà Trắng đã thừa nhận rằng họ sẽ không thể đạt được mục tiêu về tiêm chủng vắc-xin mà chính phủ đã đưa ra vào một tháng trước đó. Khi đó, tốc độ tiêm chủng vắc-xin cho người dân tại nước này nhanh hơn so với hiện tại.

Tin cho hay, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin tại Mỹ đạt mức cao nhất vào giữa tháng 4 với hơn 3,3 triệu liều vắc-xin được tiêm mỗi ngày, nhưng tỷ lệ này đã không còn được duy trì. Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày chỉ có 1,12 triệu liều vắc-xin được tiêm cho người dân.

Bình luận