Chờ...

Biến thể Delta khiến số người nhập viện và tử vong tăng vọt tại nhiều quốc gia

(VOH) - Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, đến 6 giờ sáng 24/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là 213.151.198 ca, trong đó có 4.451.297 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 190 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và 112.055 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 23/8, thế giới có 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 38.700.000 ca, trong đó có 645.781 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.848 ca trong tổng số trên 20,5 triệu ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.

covid-19

Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế Providence Cedars-Sinai Tarzana ở Tarzana, California (Ảnh: Getty Images)

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới, số người phải nhập viện và tử vong tiếp tục tăng lên do biến thể Delta gây ra. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ.

Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày tính đến ngày 17/8 tại Mỹ là 133.056 ca/ngày, tăng 14% so với tuần trước đó (với 116.740 ca/ngày). Số ca phải nhập viện trong cùng thời gian này cũng tăng 14,2%. Số người không qua khỏi cũng tăng 10,8%.

Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech để sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Đây là loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất tại Mỹ và cũng là loại vắc xin đầu tiên được cấp phép đầy đủ.

Quyết định của FDA sẽ kéo theo một loạt thay đổi ở nhiều cấp, bao gồm các yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin trong các trường học, các ngành nghề tiếp xúc nhiều người... Các quan chức y tế Mỹ hy vọng việc cấp phép đầy đủ cho vắc xin Pfizer/BioNTech sẽ thuyết phục được người Mỹ đến các điểm tiêm chủng.

tiêm vắc xin covid-19

Tiêm vắc xin Covid-19 ở Martinsburg, Tây Virginia vào ngày 11/3/2021 (Ảnh: Reuters)

Tại Ấn Độ, giới nghiên cứu y khoa đã đưa ra dự báo về làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này khi cho rằng một làn sóng Covid-19 thứ ba có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới nguy hiểm hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Trong làn sóng thứ ba này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng đầu tiên.

Brazil hiện đứng thứ ba với hơn 20,583 triệu ca nhiễm, trong đó 574.944 ca tử vong. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đang nhắm tới việc chấm dứt yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh địa phương ở Sao Paulo hôm 23/8, ông Bolsonaro cũng đưa ra tuyên bố không chính xác là những người từng nhiễm Covid-19 sẽ miễn dịch trước vi rút. Thực tế, Brazil chiếm tới 25% ca tái nhiễm Covid-19 toàn cầu tính tới giữa tháng 7, theo dữ liệu hãng truyền thông Hà Lan BNO News.

Tại Đức, Chính phủ liên bang Đức cho biết sẽ hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ. Các thiết bị lọc không khí cơ động có thể giúp các trường học và nhà trẻ tận dụng được không gian an toàn mà việc lưu thông không khí chưa hiệu quả.

Kể từ ngày 23/8, chính quyền nhiều bang ở nước này bắt đầu áp dụng quy tắc 3G (viết tắt của 3 chữ: đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) để những người thuộc diện 3G có thể dễ dàng tham gia vào cuộc sống bình thường.

Cụ thể, những ai muốn vào nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, cửa hàng làm tóc, phòng tập gym, bể bơi và trung tâm thể thao, bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở tương tự... cần phải mang theo giấy tờ hoặc thông tin chứng minh đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh hoặc vừa làm xét nghiệm với kết quả âm tính (xét nghiệm nhanh có giá trị trong 24 giờ, xét nghiệm PCR trong 48 giờ).

Tại Palestine, chính quyền đã quyết định tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 thứ 3 cho một số nhóm người theo chỉ định, trong đó có nhân viên y tế, người có bệnh nền và người cao tuổi. Quyết định được ban hành sau hội nghị của ủy ban khẩn cấp quốc gia ứng phó với dịch bệnh của Palesine.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtayeh Ishtayeh kêu gọi các viên chức giáo dục và sinh viên đi tiêm vắc xin nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông cũng cho biết chính quyền đang chuẩn bị tiêm vắc xin cho học sinh trên 16 tuổi.

Dự kiến, trong ngày 24/8 Palestine sẽ tiếp nhận 200.000 liều vắc xin của Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đến nay, cơ quan y tế Palestine đã xác nhận 356.875 ca bệnh, trong đó có 3.910 ca tử vong và hiện có 712.501 người đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong đó 439.024 đã được tiêm đủ 2 liều.

Tại Peru, Chính phủ quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch Covid-19 cho đến hết tháng 9.

Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, việc thực hiện các quyền hiến định liên quan đến tự do, an ninh cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tự do hội họp và quá cảnh trong lãnh thổ, đều sẽ bị hạn chế. Chính phủ Peru cũng thông báo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương trên cả nước. Theo đó, 24 tỉnh thành của Peru sẽ được phân loại ở các mức: nghiêm trọng, rủi ro rất cao, rủi ro cao và rủi ro trung bình.

Tùy theo tình hình dịch bệnh đã được phân loại, các địa phương sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau do chính phủ khuyến cáo, bao gồm thời gian giới nghiêm, sức chứa tối đa tại các địa điểm công cộng và các hạn chế liên quan đến việc sử dụng phương tiện giao thông.

Các nhân viên thuộc Cảnh sát quốc gia Peru và Lực lượng vũ trang của nước này có nhiệm vụ bảo đảm việc tuân thủ các quy định được ban hành trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp.

Đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 2,14 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 198.000 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Peru, khoảng 7,5 triệu người trong tổng số 33 triệu dân đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 theo chỉ định.

Tại Indonesia, kể từ ngày 24/8, các địa điểm theo quy định sẽ được cho phép mở cửa một phần, trong đó nhà hàng sẽ được đón 25% sức chứa, còn trung tâm mua sắm được tiếp 50% lượng khách bình thường do Indonesia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới giảm đáng kể, đồng thời số người tiêm vắc xin tăng lên.

Tính từ ngày 15/7 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã giảm 78%. Tỉ lệ hồi phục cũng cao hơn số ca nhiễm mới ghi nhận. Chứng kiến một số tín hiệu cải thiện trên, chính phủ sẽ cân nhắc điều chỉnh từ từ đối với một số biện pháp siết chặt hiện nay. Theo số liệu ngày 23/8, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 6 qua, Indonesia ghi nhận ít hơn 10.000 ca/ngày.

Trong khi số ca mắc Covid-19 giảm ở thủ đô Jakarta và một số vùng ở Java, biến chủng Delta đang tiếp tục tăng ở các đảo khác như Sumatra, Kalimantan, Sulawesi… Trong một phát biểu sau đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan khẳng định các biện pháp hạn chế di chuyển trong xã hội ở Indonesia vẫn tiếp diễn, chừng nào vi rút vẫn còn.

Jakarta là nơi được tiêm chủng cao và đã đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên trên cả nước Indonesia, chỉ 11% đã tiêm đầy đủ kể từ lúc khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1.

Bình luận