Chờ...

Các hãng hàng không sẽ phải trả phí phát thải CO2 ở châu Âu

(VOH) - Kế hoạch khí hậu của châu Âu quy định rằng các hãng hàng không sẽ phải bồi thường tài chính liên quan đến lượng khí thải CO2 muộn nhất là từ năm 2026.

Theo một thỏa thuận đạt được tại EU hôm thứ Tư, các hãng hàng không sẽ phải trả phí cho lượng khí thải CO2 từ các chuyến bay của họ ở châu Âu, khi mà hạn ngạch tự do mà họ được hưởng lợi cho đến nay đã không còn, tuy nhiên các chuyến bay quốc tế sẽ vẫn được miễn.

Văn bản về thỏa thuận được phê duyệt sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) và các quốc gia thành viên, và là một phần của kế hoạch khí hậu to lớn của châu Âu.

Ngoài các chuyến bay nội địa trong EU, thỏa thuận cũng sẽ áp dụng cho các chuyến bay giữa EU và các nước như Anh hoặc Thụy Sĩ, nhưng ngoại trừ các chuyến bay hiện tại giữa châu Âu và những khu vực còn lại trên thế giới, theo thông cáo báo chí từ Hội đồng châu Âu.

Các chuyến bay nội địa châu Âu phải tuân theo thị trường hạn ngạch khí thải carbon (ETS), nơi các hãng hàng không có thể mua và trao đổi "quyền gây ô nhiễm" cần thiết để bù vào lượng khí thải của họ, giống như các ngành công nghiệp và công ty năng lượng. Nhưng cho đến nay, các hãng hàng không đã được cung cấp hạn ngạch miễn phí bao gồm hầu hết lượng khí thải để giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Các hãng hàng không sẽ phải trả phí phát thải CO2 ở châu Âu 1
Ảnh minh họa

Một đặc quyền mà MEP và các quốc gia thành viên đã quyết định loại bỏ dần trong 3 năm tới, đó là 25% các khoản hỗ trợ "miễn phí" sẽ không còn từ ​​năm 2024, 25% nữa vào năm 2025 và sẽ bị loại bỏ hoàn toàn vào năm 2026.

Một phần doanh thu có được thông qua việc bán các hạn ngạch sẽ được chuyển đến Quỹ Đổi mới Châu Âu để hỗ trợ cho các công nghệ có lợi cho khí hậu.

Một cơ chế mới sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải CO2 tự do để đổi lấy việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), cho phép các công ty bù từng phần vào chênh lệch giá với dầu hỏa thông thường.

Cơ chế này sẽ được áp dụng rộng rãi hơn trong một số trường hợp nhất định để giúp đảm bảo cung cấp nhiên liệu “xanh” cho các hòn đảo nhỏ, sân bay nhỏ và các vùng xa xôi nhất.

Cuối cùng, theo thỏa thuận, các công ty không chỉ sẽ phải công bố lượng khí thải CO2 mà còn cả các hạt gây ô nhiễm khác góp phần vào sự nóng lên toàn cầu từ năm 2025, nhằm thắt chặt các quy định của EU vào năm 2028.

Tuy nhiên, MEP đã không thành công trong việc bao gồm cả các chuyến bay quốc tế khởi hành từ châu Âu, những chuyến bay này sẽ vẫn được giữ nguyên cơ chế bù đắp carbon quốc tế (Corsia) từ năm 2022 đến 2027. Theo cơ chế này, các hãng hàng không sẽ buộc phải mua “tín dụng carbon” trên một ngưỡng phát thải nhất định theo thỏa thuận quy định.

Ủy ban sẽ phải kiểm tra tính hiệu quả của cơ chế quốc tế này sau năm 2025, và nếu nhận thấy vẫn chưa đủ thì một đề xuất sẽ được chuẩn bị để đưa các chuyến bay quốc tế này vào thị trường carbon của EU.

Bình luận