Chờ...

Các nước châu Âu kêu gọi Iran đàm phán để giải quyết các vấn đề hạt nhân

(VOH) - Nhiều nước châu Âu ủng hộ Mỹ và cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi, đồng thời thúc giục Tehran sớm trở lại đàm phán để giải quyết các vấn đề hạt nhân.

Theo đó, châu Âu đã đưa ra tuyên bố chung về các vấn đề của Iran sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau tại Liên Hợp Quốc bên lề cuộc họp mặt hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, phía Iran đã từ chối đàm phán với các nước châu Âu. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã khẳng định trên Twitter vào thứ Hai (23/9) rằng các đối tác châu Âu đã không thực hiện các cam kết của mình theo hiệp ước hạt nhân năm 2015.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cố gắng xoa dịu căng thẳng vốn đã tích tụ từ lâu giữa Tehran và Washington kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân vào năm ngoái - đây là hiệp ước bảo đảm các điều kiện Iran có thể tăng cường các hoạt động thương mại ra thế giới khi cắt giảm các chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Thêm vào đó, Mỹ còn áp dụng và siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Phía Iran đã phản ứng bằng cách vi phạm vào các cam kết hạt nhân được ký kết trong hiệp định năm 2015; đồng thời đặt ra thời hạn vào tháng 10 năm nay sẽ tăng cường các chương trình hạt nhân của mình trừ khi các nước châu Âu ra tay cứu vãn hiệp định này bằng cách bảo vệ nền kinh tế Tehran khỏi các hình phạt của Mỹ.

“Đã đến lúc Iran cần phải chấp nhận đàm phán để đi đến một thoả thuận dài hạn cho chương trình hạt nhân cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực, bao gồm chương trình phát triển tên lửa và các khí tài quân sự khác”, lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Đức cho biết.

Những phần còn lại của tên lửa mà Ả Rập Saudi cho rằng được sử dụng để tấn công cơ sở chế biến dầu mỏ Aramco được trưng bày tại cuộc họp báo diễn ra ở Riyadh, Ả Rập Saudi ngày 18/9/2019 (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng trong khu vực giữa các nước đã ngày càng gia tăng sau khi các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công vào ngày 14/9 vừa qua; trong đó chính quyền Riyadh và Washington đều cho rằng Iran đứng sau vụ việc. Tehran lên tiếng phủ nhận trách nhiệm, và nhóm phiến quân Houthi liên kết với Yemen cho biết họ đã thực hiện vụ tấn công.

Thủ tướng Pháp Macron được biết đến là người dẫn đầu trong việc cố gắng hoà giải cho Mỹ và Iran và muốn sử dụng cuộc họp của Liên Hợp Quốc như một cơ hội để vực dậy tình hình ngoại giao, mặc dù những nỗ lực của ông đã bị đình trệ trong những tuần gần đây. Khi được hỏi về nỗ lực hòa giải của Macron, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng tôi không cần một người hòa giải. ... Họ (ý chỉ Iran) biết phải đàm phán với ai.”

Bình luận