Chờ...

Các quốc gia châu Âu sẽ mua dầu của Venezuela

(VOH) - Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu của Venezuela tới châu Âu vào tháng sau để bù đắp thiếu hụt dầu thô của Nga.

Sau khi Mỹ cấp phép cho một số công ty dầu khí hoạt động tại Venezuela, các tập đoàn Eni của Italy và Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu từ Venezuela tới châu Âu vào tháng sau để bù đắp thiếu hụt dầu thô của Nga.

Theo Reuters, một nguồn giấu tên cho biết khối lượng dầu mà Eni và Repsol dự kiến nhận được sẽ không lớn và do đó tác động đến giá dầu thế giới sẽ ở mức khiêm tốn.

Hai công ty nói trên đều có liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA), do đó có thể tính các lô hàng dầu thô vào các khoản nợ tồn đọng và nợ cổ tức trễ hạn. Tuy nhiên, một trong những điều kiện chính là lượng dầu nhận được phải được chuyển đến châu Âu và không được bán lại ở nơi khác.

dầu thô
Châu Âu đang tiếp tục nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. (Ảnh: Getty Images)

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hi vọng rằng, dầu thô của Venezuela có thể giúp châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga và chuyển hướng một số hàng hóa mà Venezuela xuất sang Trung Quốc ra các nước khác.

Xem thêm: Trước thềm APEC, Mỹ lại cấm vận Nga

Ngày 3/6, EU chính thức thông qua lệnh cấm vận dầu Nga, nằm trong gói trừng phạt thứ 6 áp lên Moscow liên quan đến việc nước này tiến hàng chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phần lớn các nước EU sẽ có 6 tháng để giảm dần nhập dầu Nga và 8 tháng với các sản phẩm khác từ dầu.

Dữ liệu của Kpler cho thấy, nhập khẩu dầu của EU từ Angola đã tăng gấp ba lần kể từ khi bắt đầu căng thẳng, trong khi đó nhập khẩu dầu từ Brazil và Iraq tăng lần lượt 50% và 40%.

Roslan Khasawneh, nhà phân tích nhiên liệu tại Công ty dữ liệu năng lượng Vortexa cho biết, việc tìm kiếm nguồn dầu từ các địa điểm xa xôi hơn cũng vẫn khiến giá neo ở mức cao do chi phí vận chuyển sẽ tăng vì đi đường dài.

Các chính phủ có thể tung ra nhiều chính sách để hạ giá, trong đó có trợ giá nhiên liệu và áp trần giá xăng. Tuy nhiên, điều thế giới cần nhất hiện tại là tăng cung đáng kể, thì rất khó xảy ra.

Năm 2021, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đóng góp 14% nguồn cung dầu toàn cầu.

Vì thế, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã tạo ra khoảng trống lớn về nguồn cung trên thị trường. IEA cho biết, trong tháng 4, sản xuất của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày và con số này có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày vào nửa cuối năm 2022.

OPEC và các đồng minh (OPEC+) ngày 2/6 đã nhất trí tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8/2022, nhiều hơn 200.000 thùng so với kế hoạch cũ.

IEA dự báo sản lượng dầu toàn cầu, nếu không tính Nga, sẽ phải tăng thêm hơn 3 triệu thùng/ngày trong năm nay để cân bằng tác động của lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc này rất khó đạt được. Từ trước khi căng thẳng xảy ra, các nước sản xuất dầu đã giảm đầu tư vào lĩnh vực này để chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, năng lực của OPEC cũng hạn chế. OPEC+ từ lâu đã khó đạt mục tiêu sản lượng, ngay cả khi các nước thành viên chủ chốt của OPEC như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đã xuất khẩu ít hơn trong tháng 4/2022.

Giovanni Staunovo, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) cho biết, nhiều nước OPEC+ đã chạm giới hạn sản xuất, đồng nghĩa với việc mức tăng thực tế có thể chỉ bằng 50% mức tăng mục tiêu.

Bình luận