Chờ...

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 28/7: châu Âu đối diện làn sóng lây nhiễm thứ 2

(VOH) - Tính đến sáng nay 28/7, thế giới đã ghi nhận khoảng 16.613.617 ca nhiễm COVID-19, tăng thêm 195.993 ca trong 24 giờ qua.

Tính đến sáng nay ngày 28/7, thế giới đã ghi nhận khoảng 16.613.617 ca nhiễm COVID-19; 655.559 người đã thiệt mạng bởi dịch bệnh và khoảng 10.212.510 người đã được chữa khỏi.

Đáng chú ý, Mỹ, Brazi và Ấn Độ vẫn là các quốc gia có tốc độ lây lan COVID-19 nhanh nhất với hàng chục ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây cũng là các quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại.

Việt Nam đang nằm ngoài nhóm 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu.

Mỹ có số ca nhiễm cao nhất, với 4,4 triệu ca. Kế đến là Brazil với 2,4 triệu ca và Ấn Độ với 1,4 triệu ca. Xét về số ca hồi phục, Mỹ có khoảng một nửa số ca nhiễm đã hồi phục, cụ thể là hơn 2,1 triệu ca hồi phục (nhiều nhất thế giới).

COVID-19, mỹ

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại (Ảnh: Times Famous)

Số ca mắc mới tại Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là các bang ở miền Nam và Tây nước này như California, Texas, Alabama và Florida.

Ngày 27/7, Nhà Trắng thông báo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Reuters, vắcxin của Moderna (công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ) có thể sẽ sẵn sàng sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay. Ứng viên vắcxin của Moderna là mRNA-1273.

Ngày 27/7, vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna đã bước vào một giai đoạn thử nghiệm mới và mang tính quyết định: Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên tại 87 địa điểm trên khắp nước Mỹ.

Moderna đã hợp tác với Viện Nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ để nghiên cứu vắcxin COVID-19. Ứng viên của họ là một trong vài ứng viên vắcxin được chính phủ Mỹ tài trợ, nằm một phần trong "Operation Warp Speed" - sáng kiến nhằm cung cấp 300 triệu liều vắcxin an toàn và hiệu quả vào tháng 1/2021.

Một cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 thường là giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của thuốc hoặc vắcxin trước khi được bán cho công chúng. Các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 - tiến hành trên các nhóm tình nguyện viên nhỏ hơn - nhằm cho thấy ứng viên vắcxin tạo ra được phản ứng kháng thể và an toàn.

Ngày 27/7, Nga thông báo ghi nhận thêm 5.635 ca nhiễm COVID-19 và 85 trường hợp tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 thấp nhất ở nước này kể từ ngày 23/4. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 818.120 người mắc COVID-19, trong đó có 13.354 ca tử vong.

Kazakhstan thông báo ghi nhận thêm 1.402 ca mắc COVID-19, giảm 92 trường hợp so với một ngày trước đó. Tính đến nay, Kazakhstan ghi nhận 83.122 ca mắc COVID-19, trong đó có 610 người tử vong.

Chính phủ Romania đang cân nhắc phong tỏa hàng chục khu vực sau khi số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp. Romania ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, cao hơn nhiều so với khoảng hơn 100 trường hợp sau khi các biện pháp phong tỏa đầu tiên được nới lỏng kể từ ngày 15/5 vừa qua.

Thủ tướng Ludovic Orban cho biết việc phong tỏa theo khu vực có thể được áp dụng bất cứ lúc nào.

Tại châu Âu, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai dường như đang quay trở lại khi tình trạng bùng phát dịch liên tục làm gia tăng.

Tại Bỉ, chính phủ cảnh báo nước này có thể sẽ bị đặt vào tình trạng "phong tỏa hoàn toàn" lần thứ hai sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trở lại.

"Nếu chúng ta không thể làm suy yếu con virus, đây sẽ là một thất bại tập thể. Như mọi khi, hãy chăm sóc cho bản thân bạn và chăm sóc cho nhau" - Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès phát biểu ngày 27/7 khi bà công bố áp dụng thêm các biện pháp hạn chế.

Tại vùng Catalonia của Tây Ban Nha có thể cũng sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu không kiểm soát được các đợt bùng phát mới trong vòng 10 ngày.

Tại Pháp, bộ trưởng y tế nước này kêu gọi giữ cảnh giác cao hơn sau khi ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh ở người trẻ. Còn cơ quan cố vấn y tế công của Đức nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" về số ca nhiễm gia tăng ở nước này trong vài tuần qua.

Tại Đức, cơ quan chức năng cũng công bố kế hoạch xét nghiệm COVID-19 bắt buộc với những người đi du lịch quay về từ những nước có nguy cơ cao để ngăn dịch lây lan. Đức đã chỉ định 130 quốc gia có nguy cơ cao, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Mỹ.

MN (Tổng hợp)

Mỹ tăng liên tục mỗi ngày trên 1.000 ca tử vong vì COVID-19, châu Âu tăng mạnh ca nhiễm mới - Ngày 26/7, nước Mỹ đã 4 ngày liên tiếp có số ca tử vong vì COVID-19 vượt 1.000 ca. Mặc dù vậy, chính phủ nước này vẫn đang bàn việc mở cửa lại trường học, đồng thời duy trì việc đeo khẩu trang

Mỹ: Phương pháp điều trị bệnh COVID-19 có thể sẽ công bố trong vài ngày tới - Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết với những tiến triển đạt được trong điều trị bệnh COVID-19, ông “hy vọng” có thể công bố phương pháp điều trị bệnh này trong vài ngày tới.

Bình luận