Chờ...

Châu Âu chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế

(VOH) - Tại châu Âu, tỷ lệ mắc COVID-19 đang giảm rõ rệt, nhiều nước châu Âu đang chuẩn bị mở cửa trở lại ngành kinh tế và du lịch vào tháng 6 tới.

Đáng chú ý, từ ngày 1/7 tới, châu Âu sẽ áp dụng “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID” nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân Liên minh châu Âu (EU), qua đó mở cửa trở lại nền kinh tế.  Chứng nhận kỹ thuật số về COVID gồm 3 nội dung là chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh. Khi giới thiệu chứng nhận này, Ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm EU Stella Kyriakides tuyên bố: “Chúng tôi đang đề xuất một cách tiếp cận chung của EU hướng đến mục tiêu mở cửa lại EU theo cách an toàn, bền vững và có thể dự đoán được”.

Châu Âu chuẩn bị mở của trở lại nền kinh tế
Ảnh minh họa

Dự kiến, chứng nhận này chỉ áp dụng trong nội bộ 27 nước EU, sau đó có thể được xem xét mở rộng. Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25/5 tại Brussels (Bỉ) đã hoan nghênh Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19. Thủ tướng Áo Sebastian, các nhà lãnh đạo của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Croatia hoan nghênh quyết định này.  Trong khi đó, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel chỉ ra rằng chứng nhận của EU sẽ giúp xóa sổ vấn nạn kinh doanh giấy chứng nhận tiêm chủng giả mạo.

Thực chất,  “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan COVID-19 của khách du lịch, như họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này chưa.

Sau nhiều cái tên như "hộ chiếu vaccine" hay “thẻ xanh” và bây giờ là “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU”, chứng nhận này chứa dữ liệu tối cần thiết để giám sát việc đi lại an toàn, song vẫn tuân thủ Luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu. Theo đó, dữ liệu người dùng không được trao đổi giữa các quốc gia, mà chỉ có thông tin xác thực liên quan COVID-19 được hiện thị. Các quốc gia là điểm đến hoặc điểm quá cảnh cũng sẽ không lưu lại dữ liệu của hành khách sau khi đã hoàn tất xác minh.

Về nguyên tắc, người nhập cảnh có “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” sẽ không phải trải qua thời gian cách ly khi tới một quốc gia thành viên EU khác, song vẫn có thể có ngoại lệ. Nếu tình hình dịch bệnh ở nước EU nơi họ xuất phát có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hoặc xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, thì họ vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường. Một quốc gia EU muốn áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp này, sẽ phải thông báo tới các nước còn lại tối thiểu 48 giờ trước đó.

Đối với chứng nhận tiêm vaccine, những người  đã được tiêm đủ liều 1 trong 4 loại vaccine của các hãng mà Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, gồm: Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson, sẽ được chấp nhận. Các nước cũng có thể chấp thuận vaccine được một số quốc gia EU phê duyệt (như vaccine Sputnik V của Nga đang được Hungary sử dụng)  hay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận (vaccine Sinopharm của Trung Quốc).

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen,  EU đã đạt được "những bước tiến ổn định về công tác tiêm chủng". Bà cho biết mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới. Hiện 46% dân số trưởng thành của EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi 300 triệu liều nữa sẽ được bàn giao vào cuối tháng này. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các nước EU "có thể tự tin" sẽ mở cửa trở lại một cách an toàn.

 Đánh giá về sáng kiến của EU, bà Gloria Guevara thuộc Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới  (WTTC) gọi chứng nhận này "là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực", giúp các nước EU kịp thời đón luồng khách vào mùa du lịch Hè. Điều này sẽ tạo ra động lực quan trọng cho các nền kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, sinh kế cho người lao động, giúp các doanh nghiệp du lịch và hàng không mau chóng phục hồi. Hơn nữa, việc áp dụng chứng nhận vaccine có thể là biện pháp khuyến khích mọi người đi tiêm chủng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng trong sáng kiến này của EU. Ví dụ những nhóm đối tượng chưa được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ phải xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, hiện các nước EU không thống nhất tiêu chuẩn chung về thời điểm tiến hành xét nghiệm COVID-19  hoặc thời gian các xét nghiệm này duy trì hiệu lực. Có nước chấp nhận giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi làm thủ tục nhập cảnh, song có nơi chỉ 24 giờ. Trong khi đó, ông Brian Young, Giám đốc điều hành công ty du lịch G Adventures có trụ sở tại Anh, chuyên cung cấp các chuyến du lịch cho những người từ 18 đến 30 tuổi, lưu ý chi phí xét nghiệm PCR hiện tại sẽ cản trở một số du khách, đặc biệt nếu họ phải thực hiện nhiều xét nghiệm khi đi du lịch. Tại thời điểm này, các xét nghiệm kháng thể chưa được công nhận là đủ tin cậy để chứng minh về khả năng miễn dịch.

Giới phân tích nhận định do tiến độ tiêm chủng ở các nước EU không giống nhau, nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm lại là người cao tuổi, nên việc áp dụng chứng nhận tiêm chủng có thể tạo ra sự thiếu công bằng và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Trong bối cảnh vấn đề phân phối vaccine ngay cả ở châu Âu vẫn còn một số vướng mắc, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nêu rõ có những lý do đạo đức, thực tế và khoa học khiến việc áp dụng những hình thức chứng nhận kiểu "hộ chiếu vaccine" cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hơn nữa, như Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders thừa nhận, hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu những người đã được tiêm chủng còn có nguy cơ lây lan cho người khác hay không, cũng như khả năng bảo vệ của các loại vaccine khác nhau sẽ kéo dài trong bao lâu. Bên cạnh đó, các loại vaccine hiện hành có thể chống lại tất cả những loại biến thể hay không cũng là câu hỏi. Ngoài ra, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tại các quốc gia không đồng đều, do quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh cao, tỷ lệ tiêm phòng cao thì khả năng miễn dịch cộng đồng cũng sẽ cao hơn. Bởi vậy, nếu không thận trọng, chứng nhận COVID-19 vô hình trung sẽ trở thành con dao hai lưỡi, khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng trở nên khó kiểm soát hơn.

Nói gì thì nói, việc đạt được “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID” cho thấy nỗ lực của EU nhằm cứu vãn ngành du lịch, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước thành viên. Nhưng làm sao để "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID ” trở thành  "chìa khóa" mở cửa lại EU một cách thực sự an toàn và bền vững như kỳ vọng thì vẫn còn khá nhiều câu hỏi đặt ra. Dù vậy đây vẫn là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành, khiến nhiều quốc gia điêu đứng.

Bình luận