Cựu danh thủ Gary Lineker người Anh từng nói “Bóng đá là môn thể thao mà 22 người đàn ông đuổi nhau trong 90 phút, cuối cùng người Đức luôn thắng”. Mặc dù đây chỉ là câu châm biếm, nhưng nó phản ánh sức mạnh của bóng đá Đức là thế lực hàng đầu châu Âu. Song song đó cũng là tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên điều này hiện nay, có vẻ như đã không còn đúng nữa.

Trong nhiều thập kỷ qua, EU luôn có những quốc gia mang tính quyết định về chính trị. Dù gồm 6, 12, hay 27 nước, những gì Đức và Pháp đưa ra, tất cả cùng thảo luận và gần như sẽ chấp nhận. Tuy nhiên, mô hình này đã bị rạn nứt, uy tín của 2 cường quốc hàng đầu bị sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Châu Âu đang đối mặt với những cơn khủng hoảng lập đi lập lại, nhưng không có người thực sự dẫn dắt để cùng nhau vượt qua. Những địa lý quyền lực mới, quốc gia quyền lực mới đang hình thành. Tiếng nói của họ có ảnh hưởng hơn, linh động hơn và quyết đoán hơn.
Ba năm đại dịch, rồi chiến tranh ở Ukraine đang thay đổi nhiều mặt của châu Âu. Điều này bao gồm việc dịch chuyển vai trò các quốc gia. Khối Đông Âu, láng giềng của Ukraine, từ lâu được xem là “công dân hạng 2”, so với “công dân hạng 1” ở Tây Âu, thì giờ đây vị thế đã khác. Họ không ngần ngại thể hiện quan điểm, dẫu đi ngược cả khối, đặc biệt là Hungary và Ba Lan.
Ở bên ngoài, sự trỗi dậy của Trung Quốc và chủ nghĩa Donald Trump ở Mỹ, đang khiến EU phải suy nghĩ lại về các thỏa thuận kinh tế. Những thỏa thuận này, thường là chịu ảnh hưởng bởi quyết định từ Pháp.
Về chính sách liên quan đến chống biến đổi khí hậu, EU vẫn đưa ra dựa trên đồng thuận tập thể. Đây là lĩnh vực có thể xem là ít tiếng nói mâu thuẫn. Tuy vậy, khắp khác nơi, từ Phần Lan, Đức đến Pháp, những tiếng nói dân túy – cực hữu đang ngày càng lớn, chiếm được ngày càng nhiều ghế tại cơ quan lập pháp.
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là lãnh đạo tinh thần gần đây nhất của EU. Uy tín của bà được củng cố cả trong và ngoài nước Đức. Người kế nhiệm là thủ tướng Olaf Scholz hiện vẫn chưa thể hiện được vai trò.
Nhiều người cũng đặt niềm tin vào tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhưng ông đang đối mặt rất nhiều khó khăn ở quê nhà. Sau cuộc bầu cử 2023, đảng của ông ở thế yếu hơn rất nhiều tại quốc hội. Thậm chí mới đây ngày 8/1, thủ tướng Pháp cũng đã từ chức. Tổng thống Macron không thể tranh cử vào năm 2027. Nhiều chuyên gia dự đoán, càng đến cuối nhiệm kỳ, uy tín và tầm ảnh hưởng của tổng thống Macron trong nội bộ sẽ càng thụt lùi. Ở bên ngoài, nhiều lãnh đạo EU khác đôi khi cũng khó chịu với tổng thống Macron, vì phong thái tự tin trong đối ngoại, nhưng lại kém hiệu quả. Đức và Pháp sẽ áp đảo về quyền lực trong EU nếu họ đoàn kết. Tuy nhiên trong lịch sử, điều này hiếm khi xảy ra.
Khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, cả châu Âu rung chuyển, nhưng rất ít người tin vào vai trò dẫn dắt của nước Đức, trong việc hoạch định chính sách đối phó. Lý do nước Đức phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Thực sự là nước Đức đã lúng túng trong giai đoạn đầu cuộc chiến. Ngược lại, Ba Lan và những nước Baltic cảm thấy được minh oan, vì trong nhiều năm đã chỉ trích nước Nga, cảnh báo các đe dọa do cường quốc rộng nhất thế giới gây ra. Điều này thúc đẩy Đông Âu có tiếng nói mạnh mẽ và quyết đoán hơn.
Ảnh hưởng của Đông Âu được nhìn thấy trong hai sự thay đổi chính sách. Một là việc EU tự trả tiền trong việc chuyển vũ khí tới Ukraine - bước đầu tiên để thúc đẩy chi tiêu quốc phòng. Thứ hai là mở rộng, điều trước đây nằm ngoài mọi chương trình nghị sự. Không quốc gia mới nào tham gia khối kể từ Croatia năm 2013. Hiện có 9 ứng cử viên đang trong các giai đoạn đàm phán khác nhau. Tất cả đều từ Đông Âu. Đó là Bosnia Hergovina, Montenegro, Serbia, Albani, North Macedonia, Kosovo, Moldova, Ukraine và Gruzia. Đáng chú ý nhất là Ukraine, dù vẫn đang chiến tranh, và nhiều nước Tây Âu như Pháp hay Đan Mạch có phần dè dặt, nhưng lại được Trung và Đông Âu ủng hộ hết sức. Do vậy, ngày 14/12/2023, EU quyết định bắt đầu đàm phán về vấn đề gia nhập chính thức với Kiev. Nếu EU mở rộng như dự kiến, có thể mất vài năm hoặc vài chục năm tùy tình hình cụ thể, thì quyền lực sẽ dịch chuyển từ Tây sang Đông.
Nhìn rộng hơn, ngay cả thời điểm hiện tại, người dân Trung Âu có đủ sức mạnh để đẩy lùi những ý tưởng xuất phát từ phía Tây. Có một khái niệm mang tên “quyền tự chủ chiến lược”, được tổng thống Pháp Macron hết lòng ủng hộ. Dựa trên khái niệm này, ông kêu gọi các nước EU mua trang thiết bị quân sự do châu Âu – thường là Pháp – sản xuất. Ngoài ra, ông cũng gợi lên ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu. Tuy nhiên đều bị phớt lờ. Cũng dựa trên khái niệm “quyền tự chủ chiến lược”, nhiều nước Đông Âu như Ba Lan hay Slovakia, cảm thấy những đảm bảo về an ninh từ NATO – cụ thể là Mỹ, đáng tin cậy hơn rất nhiều.
Trong vấn đề về Ukraine, các tiếng nói từ Đông Âu đôi khi mâu thuẫn sâu sắc với phần còn lại. Ví dụ khi xung đột bùng nổ, Đông Âu mạnh mẽ viện trợ vũ khí và nhu yếu phẩm, trong khi Tây Âu chần chừ. Về kinh tế, EU kêu gọi mở cửa thị trường cho nông sản Ukraine, thì những nước láng giềng kiên quyết đóng cửa biên giới, vì lo ngại nông sản Ukraine tràn vào sẽ phá hỏng thị trường. Điều này đã gây ra căng thẳng mạnh mẽ và hiện nay vẫn chưa chấm dứt.
Ông Macron từng đưa ra quan điểm rằng, châu Âu ngây thơ trong ứng xử với phần còn lại của thế giới, khi giữ cho thị trường của mình luôn mở trong lúc các đối tác thương mại của họ thì không. Ví dụ Mỹ có kế hoạch chuyển đổi xanh theo chủ nghĩa bảo hộ, hay Trung Quốc với các khoản trợ cấp khổng lồ cho doanh nghiệp nhà nước.
EU có quy định cấm chính phủ thành viên hỗ trợ quá nhiều cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên thực tế này đã bị thay đổi trong thời kỳ Covid-19. Với khẩu hiệu “châu Âu là trên hết”, các chính trị gia giờ đây nắm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hình thái nền kinh tế. Ý tưởng của Pháp về việc châu Âu nên có một chính sách công nghiệp chung, từng là điều cấm kỵ, nhưng hiện giờ nó là cách tiếp cận được chấp nhận.
Sự thôi thúc của Pháp đang có hiệu quả, vì ý tưởng này có thể lấp khoảng trống về chính sách mà nước Anh để lại. Cường quốc công nghiệp này bỏ phiếu rời EU năm 2016, và hoàn toàn rời năm 2020. Nếu vẫn là thành viên, chắc chắn London sẽ phản đối kế hoạch trên. Bây giờ, các tiếng nói dè dặt về chính sách của Pháp vẫn còn, như từ Đan Mạch, Ireland hay Hà Lan, cũng như ủy ban châu Âu ở Brussels. Nhưng theo dự đoán, sự phản đối yếu ớt chỉ có thể làm lỏng đi hoặc chậm lại kế hoạch của Pháp, chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi nước Anh ra EU, quyền lực của nước Đức sẽ tăng lên đáng kể, do không còn đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, sự mờ nhạt của nước Đức nói chung, lẫn thủ tướng Olaf Scholz nói riêng, trong việc hoạch định chính sách của EU khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Mọi thứ có lẽ bắt đầu từ liên minh phức tạp trong chính phủ Đức. Liên minh gồm 3 đảng của thủ tướng Olaf Scholz đang ở thế chênh vênh, do không có đảng nào chiếm ưu thế. Đảng Xanh và những người theo cánh tả, cộng với những người theo chủ nghĩa thị trường tự do, thường có xu hướng ngăn cản các thỏa thuận chung. Một quan chức cấp cao EU nói: “Liên minh ở Đức thường hành động chậm hơn so với những quốc gia khác. Điều này khiến tất cả phải trả giá.”
Sự sụt giảm vai trò của của nước Đức, trong quá khứ thường mang lại lợi ích cho nước Pháp. Nhiều chính sách của EU ngày nay mang hơi hướng của nước Pháp, như việc không có bất kỳ thỏa thuận thương mại mới lớn nào được ký thời gian qua (do ảnh hưởng tới nông dân Pháp), hoặc nới lỏng một phần các quy định của châu Âu về hạn chế thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên thời gian qua, sự sụt giảm vai trò nước Đức đã cản trở tham vọng của ông Macron. Các kế hoạch được ấp ủ ở Paris, chỉ thực sự thành công, khi những người đồng cấp ở Berlin ủng hộ. Hiện tại, không ai nghĩ mối quan hệ giữa ông Scholz và Macron có thể sớm cải thiện.
Trong trường hợp khác, Pháp có thể tìm kiếm liên minh làm thay đổi cán cân quyền lực. Nước Ý được lãnh đạo bởi thủ tướng Giorgia Meloni, người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu. Hà Lan đang mất đi phong cách chính trị lâu đời của mình gắn liền với thủ tướng Mark Rutte, để nhường chỗ cho ông Geert Wilders, một đồng minh về tư tưởng của bà Meloni. Nền chính trị không ổn định của Tây Ban Nha đã hạn chế tầm ảnh hưởng của Madrid ở châu Âu. Ông Donald Tusk mới trở lại quyền lực ở Ba Lan, là người theo chủ nghĩa tự do và ủng hộ EU, nhưng đang bận rộn với liên minh ở quê nhà, khi đảng có nhiều ghế nhất trong quốc hội lại là của cựu thủ tướng Morawiecki.
Ủy ban châu Âu có thể lấp các khoảng trống quyền lực?
Xu hướng suy giảm quyền lực các thành viên chủ chốt hiện nay, ở khía cạnh nào đó mang lại lợi ích cho ủy ban châu Âu tại Brussels. Dưới sự lãnh đạo của bà Ursula Von Der Leyen người Đức từ năm 2019, cơ quan này đã tích lũy quyền lực nhiều hơn. Bộ máy ở Brussels gồm 32.000 người từ lâu được đánh giá cao về năng lực quản lý. Các ông trùm công nghệ ở thung lũng Silicon cũng nhận thấy điều này, và tiến hành nhiều hợp tác có hiệu quả cao.
Trong đại dịch Covid-19, các chính phủ yêu cầu EU mua vắc xin cho toàn khối. Kết quả là một quỹ phục hồi ra đời với tổng số tiền sở hữu lên đến 890 tỷ USD. Ủy ban châu Âu đã điều hành nguồn tiền theo ưu tiên của mình, như quốc gia nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, sẽ được phân bổ tiền sớm và nhiều hơn. Ngoài ra, Ủy ban cũng xem xét hỗ trợ lĩnh vực về kinh tế xanh, hỗ trợ quá trình cắt giảm lượng khí thải carbon xuống 0 vào năm 2050. Nhiều chính trị gia, vẫn lên tiếng phản đối chính sách này của EU, đặc biệt là từ Ba Lan. Một số tiếng nói lo ngại, các mâu thuẫn trên sẽ làm giảm sức mạnh và uy tín của Ủy ban châu Âu.
Ủy ban EU có nhiều quyền trong việc quản lý tài chính của khối, nên có tầm ảnh hưởng đến các quốc gia trong việc phải tiêu như thế nào. Sự ảnh hưởng này trong nhiều trường hợp, đang gặp tác động ngược. Tiêu biểu là trường hợp của Hungary và Ba Lan. Hai nước trên bị tước nguồn tiền hỗ trợ từ quỹ, do chính phủ cản trở ngành tư pháp trong nước, như giới hạn vai trò của hệ thống tòa án. Thủ tướng Hungary Viktor Orban liên tục đòi 30 tỷ EURO tiền bị EU giữ lại. Tại Ba Lan, tân thủ tướng Donald Tusk đang nỗ lực làm việc lại với EU, để giải phóng tiền hỗ trợ đang bị phong tỏa dưới thời người tiền nhiệm.
Một số ý kiến cho rằng, các siêu cường đang giảm vai trò, quyền lực đang dần cân bằng hơn, nghĩa là một mô hình liên bang đang lờ mờ hình thành. Liên bang châu Âu viễn cảnh sẽ giống như một siêu quốc gia.
Đối với Hungary và Ba Lan, họ có thể đang mong đợi 1 điều như vậy. Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen không giấu ý định thống nhất EU trong chính sách chung. Ví dụ kêu gọi toàn thể cùng áp đặt trừng phạt kinh tế Nga hay thúc đẩy chính sách chung đối phó Trung Quốc. Bà Leyen muốn giảm rủi ro trong quan hệ thương mại với đất nước tỷ dân. Không phải là đối đầu hay “tách rời” giống chính sách của Mỹ, chỉ là giảm phụ thuộc trong lĩnh vực nhạy cảm. Ví dụ phụ thuộc nguồn cung đất hiếm và khoáng sản quan trọng. Dẫu vậy theo nhiều ý kiến, uy tín của bà Leyen cũng chỉ ở mức bình thường. Bà chưa thể trở thành lãnh đạo tinh thần dẫn dắt cả khối. Bà vẫn đang ra sức thuyết phục lãnh đạo một số nước ủng hộ, để tiếp tục làm nhiệm kỳ 2 sau cuộc bầu cử vào tháng 6/2024.
Những cuộc bầu cử năm 2024 được cho là có thể sắp xếp lại trật tự châu Âu. Người theo chủ nghĩa dân túy đã chiến thắng ở Hà Lan và Slovakia, nhưng thất bại ở Ba Lan và Tây Ban Nha. Tại cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, khả năng cao những chính trị gia cực hữu này sẽ giành thêm nhiều ghế. Điều này khiến các giá trị pháp quyền truyền thống, có thể bị đe dọa.
Năm 2024, khi các cuộc bầu cử ở châu Âu kết thúc, mọi ánh mắt sẽ nhìn sang bên kia Đại Tây Dương. Hoa Kỳ - quốc gia đảm bảo an ninh chính cho châu Âu, cũng là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đang bước vào giai đoạn căng thẳng và bất định. Khả năng cao ông Biden và Donald Trump sẽ tái đấu. Theo nhiều chuyên gia, nếu ông Trump chiến thắng, châu Âu có thể đối mặt cơn ác mộng thực sự. Lúc này các trung tâm quyền lực cả cũ lẫn mới của lục địa già, như Paris, Berlin hay Warsaw, tất cả sẽ rung chuyển và có rất nhiều việc phải làm.