Chờ...

Châu Âu: Tiếp tục đối phó đợt bùng phát Covid-19 mới trong hỗn loạn

(VOH) - Pháp, Đức và Italy gần đây ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày cao nhất kể từ mùa xuân, trong khi Tây Ban Nha đối mặt đợt bùng phát lớn.

Những ca nhiễm mới ở châu Âu, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, tập trung ở nhóm người trẻ tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người trong độ tuổi 15-24 nhiễm Covid-19 ở châu Âu đã tăng từ khoảng 4,5% lên 15% trong 5 tháng qua.

Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO tại châu Âu, hôm 20/8 cho biết ông "vô cùng lo ngại" tình trạng những người dưới 24 tuổi phổ biến trong số những ca nhiễm mới.

Nhiều người tới bãi biển ở Brighton, Anh, hôm 7/8. Ảnh: Reuters.

Các lãnh đạo châu Âu lần này phần lớn tránh áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng, thay vào đó dựa vào những biện pháp như hạn chế di chuyển tại các điểm nóng, thúc đẩy việc đeo khẩu trang mạnh mẽ hơn, tổ chức các chiến dịch giáo dục y tế cộng đồng. Tuy nhiên, chiến lược phản ứng của họ rất khác nhau, cùng với đó là những quy tắc thường thay đổi đột ngột.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa và lựa chọn "những chiến lược rất địa phương". "Chúng tôi không thể ngừng các hoạt động của đất nước, bởi thiệt hại đi kèm rất nghiêm trọng", Macron trả lời báo chí gần đây.

Ngày càng nhiều thành phố Pháp bắt buộc đeo khẩu trang trên các khu phố đông đúc và trong chợ. Hôm 20/8, hai thành phố Nice và Toulouse phía nam trở thành những địa phương đầu tiên mở rộng quy định tới tất cả khu vực ngoài trời.

Tuy nhiên, do số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày đang gia tăng với gần 4.800 ca hôm 20/8, con số cao nhất kể từ tháng 4, một số người tự hỏi liệu chính phủ Pháp có đang lỏng lẻo quá hay không.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 21/8 thừa nhận sự lây lan của virus "đang tăng tốc", nhưng cho biết tình hình sẽ tiếp tục được kiểm soát, miễn là người dân tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh và giãn cách xã hội.

Tình hình tại Tây Ban Nha lại phản ánh mức độ khó khăn của cách tiếp cận manh mún trong việc ngăn chặn virus. Sau khi gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 6, 17 chính quyền khu vực tại nước này tự chỉ đạo công tác phòng dịch theo hướng riêng.

Do đó, Tây Ban Nha bị chia rẽ bởi những quy tắc khác nhau giữa các địa phương, trong đó nhiều hướng dẫn đã thay đổi ngay lập tức khi hàng trăm cụm dịch được xác định. Các hộp đêm một lần nữa phải đóng cửa chỉ sau vài tuần hoạt động trở lại. Một số khu vực của Tây Ban Nha thậm chí cấm hút thuốc ngoài trời ở nơi công cộng. Nhiều nước giờ đây áp dụng quy định tự cách ly đối với những hành khách tới từ Tây Ban Nha.

Tại khu vực thủ đô Madrid, các công đoàn lao động đại diện cho giáo viên hôm 19/8 bỏ phiếu đình công thay vì tái mở cửa các lớp học vào tháng 9, bởi họ đánh giá chính quyền địa phương không đảm bảo đủ an toàn.

Tại Anh, vùng dịch chết chóc nhất châu Âu, cũng mang lại cảm giác rời rạc tương tự, với những quy định thay đổi đột ngột thường khiến công chúng bối rối. Tại Birmingham, một quan chức địa phương cho biết cư dân đang đối mặt với sự trở lại của "những ngày phong tỏa đen tối" sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Người dân ở phía bắc, bao gồm khu vực xung quanh Manchester, cũng không được gặp người từ hộ gia đình khác.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuần này lại nói rằng người lao động nên trở lại văn phòng. Chính phủ Anh cũng đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa người dân quay lại các nhà hàng. Ngoài ra, giới chức yêu cầu những người nhập cảnh từ một số quốc gia như Áo, Croatia, Pháp, Hà Lan phải tự cách ly 14 ngày.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ xử lý đại dịch mà không cần đóng cửa biên giới quốc gia, bất chấp số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày tăng chưa từng thấy kể từ cuối tháng 4. Bà cho rằng Liên minh châu Âu phải đoàn kết để ngăn chặn virus.

Tại thành phố The Hague, Hà Lan, hàng chục người biểu tình từ một nhóm tin rằng virus là "trò bịp" của chính phủ hôm 20/8 đụng độ với cảnh sát, phản ánh bất bình ngày càng tăng với cách chính phủ xử lý đại dịch.

Khẩu trang, vật đã trở nên phổ biến tại phần lớn châu Âu, lại trở thành chủ đề gây tranh cãi ở Hà Lan khi Jaap van Dissel, người đứng đầu Viện Y tế Cộng đồng Quốc gia của nước này, nói rằng khẩu trang mang lại "sự bảo vệ giả mạo".

Mặc dù vẫn yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng, chính phủ Hà Lan cho biết điều quan trọng hơn là người dân cần duy trì khoảng cách an toàn trong mọi trường hợp. Họ cũng khuyến cáo người dân không mời quá 6 khách đến nhà.

Việc công chúng không hoàn toàn tin tưởng các biện pháp của chính phủ được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm nCoV ở Bỉ. Nhiều người đã ngừng đeo khẩu trang trong các cửa hàng, trong khi cảnh sát phải giải tán những bữa tiệc của sinh viên tại các quảng trường lớn ở Brussels.

N.T (tổng hợp)

Bình luận