Chờ...

Dịch COVID-19 sáng 24/8: Thế giới có 23,5 triệu người nhiễm, Ấn Độ cao nhất với 61.000 ca/ngày

(VOH) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 197.594 ca mắc COVID-19 và 4.118 ca tử vong. Chỉ riêng tại Ấn Độ đã ghi nhận trên 61.000 ca nhiễm mới, gấp đôi Mỹ.

Theo thống kê của trang https://www.worldometers.info, đến 6 giờ ngày 24/8, thế giới đã có hơn 23,5 triệu người nhiễm, 812.054 trường hợp tử vong và hơn 16 triệu người hồi phục.

tại Ấn Độ
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/8/2020. 

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ , Mỹ và Brazil; Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 846 ca ca), tiếp theo là Brazil (467 ca) và Mỹ (394 ca). 

5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới gồm:

TT

Tên nước

Số ca mắc

Số ca tử vong

1

Mỹ

5.872.531

180.570

2

Brazil

3.605.783

114.744

3

Ấn Độ

3.105.185

57.692

4

Nga

956.749

16.383

5

Nam Phi

609.773

13.059

Tại Ấn Độ số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã chính thức vượt con số 3 triệu người. Đến 6h sáng 24/8, Ấn Độ có thêm 61.749 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.105.185 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng thêm 846 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 57.692 ca. Đã có 2.336.796 ca bình phục và xuất viện, trong khi vẫn còn 710.697 ca đang được điều trị. Ấn Độ đã tập trung đẩy mạnh việc mở rộng xét nghiệm COVID-19. Tính đến ngày 21/8, tổng cộng đã có gần 34,5 triệu xét nghiệm được tiến hành.

Trung Quốc đã bắt đầu đưa vaccine phòng COVID-19 thử nghiệm vào sử dụng cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 vừa qua. Mục đích của chương trình này là để tăng cường miễn dịch cho các nhóm có nguy cơ đặc biệt như các nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông và dịch vụ. Giới chức có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô các chương trình sử dụng vaccine khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trong mùa Thu và mùa Đông tới. 

Philippines ngày 23/8 xác nhận 2.378 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày có số ca mới thấp nhất trong gần 4 tuần qua. Tuy nhiên với tổng cộng gần 190.000 ca nhiễm, Philippines vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 32 ca lên tổng số 2.998 ca. 

Tuần trước, Tổng thống Philippines Duterte nhấn mạnh cần thiết phải mở cửa lại nền kinh tế để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vật lộn để tồn tại.

Thái Lan, trong khi chưa mở cửa lại biên giới, chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa với chiến dịch giảm giá khách sạn lên tới 40%. Bộ Tài chính nước này dự đoán GDP của Thái Lan sẽ suy giảm 8,5% trong năm nay, mức giảm cao kỷ lục trong lịch sử.

Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, Thái Lan đã kiểm soát được sự lây lan của virus, không có ca lây nhiễm cộng đồng nào trong gần 3 tháng qua. Đến nay nước này ghi nhận 3.395 ca nhiễm và 58 ca tử vong. Nước này có thể cho phép những du khách quốc tế đầu tiên quay trở lại nước này từ đầu tháng 10/2020. 

Malaysia thông báo thêm 10 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.267 ca. Trong số các ca mới nhiễm có 8 ca là nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng có thêm 10 ca bình phục và xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 8.959 ca, chiếm 96,7% số ca nhiễm.

Tại Indonesia, số liệu từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 nước này cho thấy đã ghi nhận thêm 2.037 ca mới, nâng tổng số ca lên 153.535 ca. Ngoài ra, Indonesia cũng thông báo có thêm 86 ca tử vong, nâng tổng số lên 6.680 ca, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Singapore, giới chức nước này ngày 23/8 ghi nhận 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 56.353 người. Trước đó một chùm lây nhiễm mới lại được phát hiện tại khu ký túc xá công nhân lớn nhất Singapore, khoảng 1 tháng sau khi nơi đây được công bố đã "sạch" virus SARS-CoV-2. 

Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.Truyền thông Ukraine ngày 23/8 dẫn lời người phát ngôn đảng Fatherland của bà Tymoshenko cho biết: "Tình trạng của bà khá nghiêm trọng. Nhiệt độ cơ thể có lúc đã lên tới 39 độ C".

Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trong lớp học ở Lyon, Pháp
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trong lớp học ở Lyon, Pháp ngày 18/5/2020

Tại Mỹ ngày 23/8, Tổng thống Donald Trump đã thông báo rằng Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cho phép sử dụng huyết tương từ những người đã nhiễm COVID-19 và hồi phục để sử dụng khẩn cấp cho những bệnh nhân mới. Ông Trump coi đây là "một bước đột phá lịch sử" trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vừa diễn ra và tin rằng nó sẽ "mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận với phương pháp điều trị này".

Stephen Hahn, Ủy viên của FDA, Ashish Jha, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu Harvard cũng ủng hộ phương pháp này và cho rằng những dữ liệu hứa hẹn ban đầu chỉ huyết tương của những người đã khỏi bệnh có hiệu quả dù chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/8 kêu gọi việc đưa trẻ em trở lại lớp học trong tuần tới là "quan trọng sống còn". Phát biểu của ông được đưa ra sau khi nhóm các cố vấn y tế quốc gia hàng đầu đã đưa ra một tuyên bố chung cho rằng trẻ em cần trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, nhấn mạnh việc bỏ lỡ giáo dục còn gây ra những mối đe dọa lớn hơn dịch bệnh COVID-19. Các trường học ở Anh đóng cửa từ tháng 3 và mở cửa lại vào tháng 6 nhưng chỉ cho một số ít học sinh.

Khán giả tham dự buổi biểu diễn do đại học Halle tổ chức tại thành phố Leipzip, miền Đông nước Đức ngày 22/8/2020.
Khán giả tham dự buổi biểu diễn do đại học Halle tổ chức tại thành phố Leipzip, miền Đông nước Đức ngày 22/8/2020. 

Đại học Halle tại Đức đã tổ chức một loạt buổi biểu diễn ca nhạc với mục đích thí nghiệm với 2.000 tình nguyện viên để kiểm tra về sự lây lan của virus. Tim Bendzko, một ca nhạc sĩ nổi tiếng ở Đức, đã đồng ý tiến hành 3 buổi trình diễn trong ngày ở thành phố Leipzip, miền Đông nước này. Khán giả tham dự là các tình nguyện viên trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Khi đến nhà hát, họ được kiểm tra thân nhiệt và tất cả đều được đeo khẩu trang bảo hộ y tế tiêu chuẩn cao FFP2 cùng một thiết bị điện tử để truy dấu di chuyển trong không gian này.

Mục đích cuối cùng của thí nghiệm này là nhằm xác định liệu các buổi biểu diễn âm nhạc cũng như các sự kiện lớn có thể được tổ chức lại mà vẫn có thể tránh được những nguy cơ lây lan dịch bệnh hay không.

Cập nhật Covid-19 sáng 24/8: Không ca mắc mới, Việt Nam có tổng cộng 1016 ca nhiễm COVID-19 - Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến 6h sáng ngày 24/8 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong đêm qua. Việt Nam tổng cộng vẫn có 1016 bệnh nhân.

Bình luận