Chờ...

Đức, Ấn Độ chốt thỏa thuận 5,2 tỷ USD chế tạo tàu ngầm diesel

VOH - Đức và Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận chế tạo tàu ngầm diesel do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine buộc New Delhi phải mở rộng nguồn cung khí tài quân sự - ngoài nhà cung cấp hàng đầu là Moscow.

Chi nhánh hàng hải của Thyssenkrupp AG và Công ty TNHH đóng tàu Mazagon Dock của Ấn Độ có khả năng cùng đấu thầu một dự án trị giá khoảng 5,2 tỷ USD để chế tạo 6 tàu ngầm cho hải quân Ấn Độ - một nguồn tin cho biết.

Một thỏa thuận sơ bộ sẽ được ký kết với sự có mặt của ông Boris Pistorius, Bộ trưởng Quốc phòng Đức - người đã đến New Delhi hôm thứ 6/6 trong chuyến thăm hai ngày, các quan chức Đức và Ấn Độ cho biết.

ấn độ
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh (phải) bắt tay với người đồng cấp Đức Boris Pistorius trước buổi lễ đón tiếp ông tại Trung tâm Manekshaw ở New Delhi vào ngày 6/6 - Ảnh: AFP

Ông Pistorius nói rằng, thỏa thuận tàu ngầm sẽ nằm trong chương trình nghị sự khi ông đến thăm Mumbai và vai trò của ông là "hỗ trợ và giúp đỡ" các cuộc đàm phán giữa các giám đốc điều hành người Đức và các đối tác Ấn Độ.

"Đây sẽ là một hợp đồng lớn và quan trọng không chỉ đối với ngành công nghiệp Đức mà còn đối với Ấn Độ và quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Đức" - ông Pistorius nói.

Trong một tuyên bố với các phóng viên sau đó vào ngày 6/6, ông nói rằng "tất nhiên cũng có những đối thủ khác" và nói rằng "người Pháp rõ ràng cũng tham gia cuộc chơi".

Khi cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai và Trung Quốc đang sát cánh cùng Nga trong cuộc chiến - phương Tây, đặc biệt là Đức, đang đặt cược vào việc Ấn Độ sẽ trở thành một bức tường thành chống lại sự quyết đoán về ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ấn Độ chỉ định, Mazagon Dock Shipbuilders và Larsen & Toubro liên kết với các chuyên gia quốc phòng nước ngoài để chế tạo các tàu ngầm tấn công diesel.

Mục tiêu chính cho sự hợp tác là Thyssenkrupp Marine Systems, một trong hai nhà sản xuất tàu ngầm trên toàn cầu có động cơ đẩy không khí độc lập - một công nghệ giúp tàu ngầm thông thường ở dưới nước lâu hơn.

Các tàu ngầm do Thyssenkrupp sản xuất từng được hải quân Ấn Độ sử dụng, khiến chúng trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều so với Công ty Cơ khí Hàng hải & Đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc và Tập đoàn Navantia thuộc sở hữu nhà nước của Tây Ban Nha.

Ông Scholz muốn các công ty quốc phòng của Đức và châu Âu tăng cường nỗ lực cung cấp cho New Delhi các thiết bị quân sự hiện đại như một cách giúp chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực quốc phòng.

Tàu ngầm là nhu cầu chính của New Delhi. Để tuần tra hiệu quả ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ cần tối thiểu 24 tàu ngầm thông thường nhưng hiện chỉ có 16 chiếc.

Trong đội tàu này, ngoài 6 chiếc được đóng mới, số còn lại đều đã trên 30 tuổi và có khả năng sẽ ngừng hoạt động trong những năm tới.

Bình luận