Ông Scholz đưa ra tuyên bố này khi phát biểu với hãng tin Funke của Đức và báo Ouest-France của Pháp.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Ngay bây giờ, chính phủ sẽ thảo luận với các nhà sản xuất các hệ thống khác nhau để sẵn sàng đưa ra quyết định cụ thể".
Lá chắn phòng thủ tên lửa được thiết lập trên nguyên tắc sử dụng một tên lửa đánh chặn để bắn hạ một tên lửa tấn công.
Ông Scholz tái khẳng định sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của Đức đáp ứng mức mục tiêu tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra, trong đó có việc mở rộng khả năng phòng không của cái gọi là “Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu” (European Sky Shield Initiative) với các quốc gia thành viên NATO khác.
Đức và hơn 10 đối tác khác trong NATO đang hướng tới việc mua chung các hệ thống phòng không. Trong số các lựa chọn đang được cân nhắc có hệ thống phòng không Arrow 3 của Israel, Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức.
Hồi tháng 3/2022, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức đang xem xét mua hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng không nói rõ Berlin đang xem xét loại hệ thống nào.
Tờ Bild am Sonntag đưa tin, lá chắn phòng thủ tên lửa cho toàn lãnh thổ Đức là một trong những chủ đề được thảo luận khi Thủ tướng Scholz gặp Bộ trưởng Quốc phòng Đức Eberhard Zorn. Cụ thể, ông Scholz và Zorn đã nói về khả năng mua lại hệ thống "Arrow 3" của Israel, theo tờ Bild am Sonntag.

Ông Andreas Schwarz, nghị sĩ quốc hội thuộc Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz nói: "Chúng ta phải tự bảo vệ mình tốt hơn trước mối đe dọa từ Nga. Đối với điều này, chúng ta cần một lá chắn phòng thủ tên lửa trên toàn nước Đức một cách nhanh chóng. Hệ thống Arrow 3 của Israel là một giải pháp tốt".
Trong một bài phát biểu mang tính bước ngoặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, Thủ tướng Scholz tuyên bố Đức sẽ tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% GDP và bơm 100 tỷ euro (110 tỷ USD) vào quốc phòng.